6.600 bị hại mua trái phiếu Tân Hoàng Minh sẽ được hoàn tiền trong tháng 9
1.500 người đã nhận tiền từ Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, dự kiến hết ngày 30/9 tất cả 6.600 bị hại mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, tổng cộng 8.600 tỷ đồng, sẽ được hoàn tiền.
Đầu tư 300 triệu đồng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, từ ngày 18/6 chị Vũ Thị Mai, TP Lạng Sơn đã nộp hồ sơ yêu cầu hoàn tiền, ba tháng sau phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt.
Chị Mai “suốt ruột và lo lắng” vì ở quê có vài người “cùng cảnh” đã được nhận tiền. Cùng chung lo lắng, bà Ngô Ánh Phương (70 tuổi, trú Hà Nội) cho biết gia đình có ba người mua trái phiếu Tân Hoàng Minh và đã làm đơn yêu cầu bồi thường từ giữa tháng 6. Đến nay, gia đình bà vẫn chưa nhận được tiền.
- Hiệu trưởng trường nội trú “để học sinh ăn cơm trộn mì tôm” bị bắt tạm giam
- Xét xử cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trong vụ án nhận hối lộ đấu thầu
- Cựu CEO SCB đề nghị xem xét lại số tiền liên quan đến cáo buộc chiếm đoạt 28.000 tỷ đồng
- 111 đối tượng đòi nợ cho ngân hàng theo kiểu ‘xã hội đen’ bị tuyên án
- Bỗng nhiên ‘bốc hơi’ 5,3 tỷ đồng khỏi tài khoản ngân hàng
Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết rằng 1.500 người bị hại mua trái phiếu Tân Hoàng Minh đã được hoàn tiền. Dự kiến đến hết ngày 21/7, thêm 500 người sẽ được nhận tiền.
Đơn vị này sẽ hoàn thành việc trả lại toàn bộ tiền cho 6.630 người bị hại trước ngày 30/9, có thể sớm hơn vào giữa tháng 9.
Sự việc xảy ra tại tập đoàn Tân Hoàng Minh là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đầu tiên mà các bị cáo đã khắc phục đầy đủ số tiền chiếm đoạt, hơn 8.600 tỷ đồng. Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đánh giá đây là một “điểm thuận lợi” vì cơ quan thi hành án không phải xử lý và thu hồi tài sản.
“Tuy nhiên, khó khăn là bị hại có tâm lý tiền khắc phục hậu quả đã sẵn mà sao cơ quan thi hành án lại chi trả chậm. Đây là áp lực rất lớn,” ngày 18/7, ông Phan Việt Bình, chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, cho biết.
Theo ông Bình, việc chi trả tiền cho các bị hại phải trải qua nhiều thủ tục. Trong đó, nhiều phần việc kế toán phải làm thủ công. Từng quyết định bồi thường được nhập thủ công vào hệ thống máy tính, sau khi đối chiếu xong, chấp hành viên mới làm ủy nhiệm chi. Mỗi ủy nhiệm chi cho bị hại sẽ có 4 chữ ký của Cục trưởng nên để toàn bộ bị hại được nhận bồi thường, cần tổng cộng 50.000 chữ ký.
Hiện có 6 chấp hành viên được giao phụ trách giải quyết hồ sơ. “Chúng tôi mong các bị hại chia sẻ với áp lực của cơ quan thi hành án, ai đã có hồ sơ sẽ được nhận lại tiền,” ông Bình nói.
Tại phiên sơ thẩm ngày 27/3, TAND Hà Nội đã tuyên phạt chủ tịch Tân Hoàng Minh, Đỗ Anh Dũng, 8 năm tù và con trai ông Dũng, Đỗ Hoàng Việt, 3 năm tù với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tòa ghi nhận thái độ thành khẩn và nỗ lực khắc phục hậu quả của các bị cáo, đặc biệt là cha con ông Dũng khi đã nộp hơn 5.600 tỷ đồng. Cùng với số tiền Tân Hoàng Minh bị nhà chức trách thu giữ trong giai đoạn điều tra, HĐXX xác nhận toàn bộ hậu quả vụ án đã được khắc phục.
Khoản tiền này được tòa tuyên trả lại cho 6.630 bị hại đã mua trái phiếu Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận đề nghị trả lãi.
Bản án xác định, Tân Hoàng Minh nợ ngân hàng 20.000 tỷ đồng. Để giải quyết khó khăn tài chính, ông Dũng đã chỉ đạo con trai huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.
Cha con ông Dũng không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh do không đủ điều kiện nên đã lựa chọn các công ty trực thuộc tập đoàn để phát hành trái phiếu, gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, và Cung điện Mùa Đông.
Các bị cáo ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần và hợp tác đầu tư để khiến các nhà đầu tư tin rằng trái phiếu được phát hành để thực hiện các dự án có thật.
Hơn 90 triệu trái phiếu Tân Hoàng Minh được bán ra trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022, với giá dao động từ 100.000 đến 100 triệu đồng mỗi trái phiếu và 4 mức lãi suất theo năm là 11%, 11,5%, 11,75% và 12%.
Dù các lô trái phiếu đều có thời hạn từ 2 đến 5 năm, Tân Hoàng Minh đã chia nhỏ kỳ hạn xuống còn tuần, tháng để mua đi bán lại nhiều lần, thu về gần 14.000 tỷ đồng. Trong số này, hơn 5.000 tỷ đồng được Tân Hoàng Minh sử dụng để lấy tiền từ người mua sau để trả cho người mua trước. Do đó, số tiền các bị cáo chiếm đoạt được VKS xác định là hơn 8.600 tỷ đồng.
Tại phiên sơ thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình, cho rằng động cơ phạm tội là để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, không cố ý lừa đảo người mua trái phiếu và không ngờ hậu quả lại lớn đến vậy.