Bác sĩ nhận tiền để làm giả kết luận về bệnh tật cho 5 người được hoãn án tù
Ông Phạm Ngọc Phượng bày tỏ ân hận vì đã nhận tiền để làm giả kết luận về bệnh tật cho 5 người được hoãn án tù, nhưng phân bua do “tình cảm, thương người”.
Chiều ngày 7/5, phiên tòa xét xử ông Phạm Ngọc Phượng, cựu giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Ngãi về tội Nhận hối lộ tiếp tục với phần tranh luận.
Sau hơn một năm bị bắt, ông Phượng trông tiều tụy và mệt mỏi. Từ năm 2018 đến năm 2023, bị cáo đã nhận hối lộ tổng cộng 97 triệu đồng thông qua Nguyễn Bá Nhật, Đỗ Văn Thương để làm giả các bản kết luận giám định pháp y về bệnh tật, giúp 5 người hoãn chấp hành án tù.
- Cựu cán bộ công an phủ nhận ‘chạy’ án cho ”cát tặc”
- Nhân thân bí ẩn của khách mua dâm trong vụ án môi giới mại dâm 10 năm trước
- Đường dây cho vay tiền qua app bị công an Hà Nội triệt phá
- Cựu giám đốc Agribank bị TAND TP Cần Thơ khởi tố
- Đại gia Đức An và siêu mẫu Ngọc Thúy kết thúc 13 năm tranh chấp tài sản sau ly hôn
Trong đó, riêng Hà Trần Vũ (phải thi hành án 2 năm tù về tội Cố ý gây thương tích) được ông Phượng 3 lần làm kết luận giám định pháp y để được hoãn thi hành từ năm 2017 đến 2019.
Trước đó, trả lời xét hỏi của Hội đồng xét xử, ông Phượng cho biết quen bị cáo Nguyễn Bá Nhật (cựu thẩm phán, luật sư) hơn 10 năm trước, từ khi ông này còn làm việc tại tòa án. Với bị cáo Đỗ Văn Thương, ông Phượng tự nhận có mối quan hệ bạn bè thân thiết nhiều năm.
Lý giải về hành vi làm giả các bản kết luận giám định pháp y về bệnh tật cho các bị án, bị cáo nói xuất phát từ chỗ quen biết, tình cảm và muốn giúp đỡ. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng nếu vì tình cảm cá nhân hay nể nang thì có thể làm giả một lần. Nhưng đằng này bị cáo vẫn tiếp tục làm cho họ nhiều lần sau thì không thể nói là vì tình cảm. “Nếu các phạm nhân chưa chấp hành án lại gây án mới thì rất nguy hiểm cho xã hội”, Hội thẩm nhân dân nói.
Tòa cũng cho biết, khi ông Phượng bị bắt tạm giam, dư luận rất hoang mang vì không rõ ông phạm tội khi giám định thương tật – ảnh hưởng đến quá trình truy tố, xét xử tội phạm; hay làm giả giấy tờ để hoãn thi hành án. Nhưng sau khi điều tra, cơ quan chức năng xác định bị cáo chỉ làm giả giấy tờ để hoãn thi hành án. “Bản chất của hành vi này tuy không ảnh hưởng đến điều tra, truy tố, xét xử nhưng ảnh hưởng tới bước chấp hành án – bước cuối cùng của tố tụng hình sự”, Hội đồng xét xử nêu.
Ông Phượng nói rất ân hận và xin tòa xem xét đến việc bản thân không vòi vĩnh, phạm tội từ việc “quen biết, tình cảm” để giảm nhẹ hình phạt.
Liên quan tới lời khai của bà Lan, bị cáo Phạm Ngọc Tiên (người phải chấp hành án hai năm tội Trộm cắp tài sản năm 2016) cho biết đã tìm Nhật để nhờ bác sĩ Phượng làm kết luận giám định bệnh giả, hoãn thi hành án vì bà ngoại đang ốm.
Tương tự, bị cáo Phạm Hồng Duy chấp hành 3 năm tù về tội Cướp tài sản nhưng thông qua một người bạn thân của ông Nhật từ thời còn làm việc ở tỉnh Nghĩa Bình đã nhờ ông Phượng giúp đỡ. Ông Phượng đã làm giả kết luận giám định với nội dung Duy bị suy tim độ 3 để hoãn thi hành án.
Đối với hai trường hợp đưa hối lộ qua Đỗ Văn Thương là Mai Văn Học và Nguyễn Thành Tín, cả hai đều là trụ cột chính trong gia đình. Sau khi nhận hối lộ từ hai người này, ông Phượng lần lượt làm giả kết luận: Học bị suy tim độ 3, Tín bị suy thận độ 3.
Còn ông Nguyễn Bá Nhật khai bản thân từng làm việc nhiều năm trong ngành tòa án, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương; hiện bị bệnh tiểu đường… nên xin tòa xem xét khi lượng hình.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên cáo trạng truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phượng 5-6 năm tù về tội Nhận hối lộ; Nguyễn Bá Nhật 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; Đỗ Văn Thương 18-24 tháng tù về tội Môi giới hối lộ.
Hà Trần Vũ bị đề nghị 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù; Nguyễn Thành Tín và Mai Văn Học bị đề nghị mức án 12-15 tháng tù cùng về hành vi Đưa hối lộ.
Ngày mai, tòa tuyên án.