Bộ công an kêu gọi 7 cựu lãnh đạo ngân hàng SCB ”tự giác ra đầu thú”
Hai cựu chủ tịch Hội đồng quản trị cùng 5 cựu lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an (C03) kêu gọi “tự giác ra đầu thú”, sau khi bị khởi tố do liên quan đại án Vạn Thịnh Phát.
Theo đó, căn cứ Khoản 1 Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, ngày 29/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã đối với 7 bị can, bao gồm: Nguyễn Thị Thu Sương và Đinh Văn Thành, đều là cựu chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB); Chiêm Minh Dũng, cựu phó tổng giám đốc ngân hàng SCB; Trầm Thích Tồn, cựu nhân viên của HĐQT ngân hàng SCB; SUN HENRY KA ZIANG, quê quán Trung Quốc, từng là thành viên HĐQT ngân hàng SCB; Lam Lee George, cựu thành viên của HĐQT ngân hàng SCB và Nguyễn Lâm Anh Vũ, người từng giữ chức vụ phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành, ngân hàng SCB.
Vào ngày 25/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an (C03) đã khởi tố 7 người trong vụ án với tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động liên quan đến ngân hàng, và tội Tham ô tài sản. Nhà chức trách cho biết, “các bị can đã bỏ trốn hoặc không biết rõ đang ở đâu”.
- Cựu cục trưởng Thanh tra cảm thấy vô cùng ân hận và xấu hổ vì đã nhận hối lộ
- Nhiều cựu lãnh đạo SCB nghỉ việc vì không chịu được “chỉ đạo sai, áp lực”
- Ông Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của chủ tịch Vạn Thịnh Phát
- Bắt Giám Đốc GFDI Lừa Đảo 3.700 Tỷ Đồng
- Thủ Đoạn Tinh Vi Làm Giả Giấy Tờ Chiếm Đoạt Tiền Ngân Hàng
Các nghi phạm này bị xác định liên quan đến nhiều tội danh, bao gồm: Tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động liên quan đến ngân hàng, và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.
Bộ công an đã kêu gọi những nghi phạm này “tự giác ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật” và để được đảm bảo quyền tự bào chữa của các bị cáo, cũng như trình bày thông tin liên quan đến vụ án. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện thì có quyền ”bắt và áp giải ngay” tới cơ quan công an, Viện kiểm sát (VKS) hoặc trụ sở chính quyền gần nhất.
Trong thời gian qua, các cơ quan tố tụng đã truy tố và xét xử vắng mặt nhiều nghi can đang bỏ trốn, trong đó cựu chủ tịch công ty AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bị tuyên phạt hai bản án, 30 và 10 năm tù, mặc dù cơ quan điều tra vẫn chưa truy tìm thấy bà.
Vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bắt đầu được Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) tiến hành điều tra kể từ ngày 7/10/2022 với 4 người đầu tiên bị bắt, gồm: bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng, trợ lý của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương, người từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, và cũng là cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Cả bốn người này đang bị điều tra về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với cáo buộc gian dối trong quá trình phát hành và giao dịch trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân từ năm 2018 đến 2019.
Vào ngày 28/3, C03 đã khởi tố bà Đỗ Thị Nhàn, người từng giữ chức vụ Cục Trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, cùng với bốn người thuộc đoàn thanh tra liên ngành của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước. Họ đang bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ.