Chiều 13/6, tại buổi tọa đàm do Cục Truyền thông Công an nhân dân tổ chức, đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03 – Bộ Công an) cho biết, việc giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ án tử hình là xu hướng đang được cân nhắc dựa trên thực tiễn phát triển của đất nước và định hướng pháp lý nhân đạo.
Theo đó, trong bản dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Chính phủ đã đề xuất xoá bỏ án tử hình đối với 8 trong tổng số 18 tội danh hiện có. Đề xuất này nhằm cụ thể hóa chủ trương thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, đồng thời từng bước tiếp cận các chuẩn mực pháp lý quốc tế và tăng cường yếu tố nhân đạo trong tư pháp hình sự.


Đại diện V03 cũng cung cấp thông tin về tiến trình giảm hình phạt tử hình qua các lần điều chỉnh luật hình sự trong lịch sử. Năm 1985, có tới 44 tội danh bị áp dụng mức án cao nhất là tử hình. Con số này giảm xuống còn 29 vào năm 1999, tiếp tục hạ xuống 22 vào năm 2009 và đến năm 2015 chỉ còn 18 tội danh. Nếu lần sửa đổi này được Quốc hội thông qua, sẽ chỉ còn lại 10 tội có thể bị tuyên tử hình.
Đại diện Bộ Công an cho biết: “Xu hướng chung của chúng ta là thu hẹp dần các hình phạt tử hình. Trong các lần sửa đổi Bộ luật Hình sự tiếp theo, chúng tôi sẽ căn cứ theo tình hình thực tế, điều kiện đất nước cho phép và nhiều yếu tố khác nhau để đề xuất xóa bỏ hẳn hình phạt này.”
Chia sẻ cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) nhìn nhận việc điều chỉnh hình phạt tử hình luôn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và cử tri. Tuy nhiên, theo ông, vai trò chính của luật hình sự không chỉ là để trừng trị, mà còn phải tạo ra sự phòng ngừa từ trước, ngăn chặn hành vi phạm tội từ sớm.
Ông Long nhấn mạnh: “Không còn hình phạt tử hình không có nghĩa là hết công cụ để xử lý. Bởi quan trọng nhất là phải ngăn ngừa hành vi nên răn đe là yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải để tội phạm hoàn thành rồi mới tuyên tử hình.”
Ông cũng cho biết, hiện đã có khoảng 50 quốc gia trên thế giới chính thức loại bỏ án tử hình khỏi hệ thống tư pháp hình sự của mình.
Trong dự thảo sửa đổi lần này, 8 tội danh được đề xuất bỏ hình phạt tử hình gồm:
- Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109)
- Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của Nhà nước (Điều 114)
- Gián điệp (Điều 110)
- Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421)
- Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250)
- Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194)
- Tham ô tài sản (Điều 353)
- Nhận hối lộ (Điều 354)
Về hai tội liên quan đến tham nhũng – Tham ô và Nhận hối lộ – ông Long cho rằng, việc bỏ án tử hình sẽ không làm giảm tính răn đe. Bởi trong thực tiễn nhiều năm qua, chưa từng có trường hợp nào bị xử tử hình vì hai tội danh này. Việc xử lý nghiêm khắc bằng các hình phạt như tù chung thân, cộng với yếu tố khắc phục hậu quả, vẫn có hiệu quả phòng ngừa cao.
Riêng đối với tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, ông Long lưu ý nếu không còn mức án cao nhất thì các cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát để đảm bảo vẫn đủ khả năng phòng ngừa, răn đe và xử lý nghiêm minh.
Ở giai đoạn đầu của kỳ họp Quốc hội, Chính phủ từng đề xuất thay hình phạt tử hình bằng án tù chung thân không được giảm án đối với 8 tội danh nêu trên. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, sau khi tiếp thu các ý kiến từ Quốc hội, Chính phủ đã rút lại đề xuất này, không còn giữ phương án “tù chung thân không xét giảm án” trong dự thảo mới nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với việc không duy trì đề xuất hình phạt tù chung thân không giảm án. Ông cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, phân tích đầy đủ các tác động pháp lý, xã hội để có thể đề xuất sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự khi cần thiết.
Tuy nhiên, nội dung về việc xoá bỏ án tử hình vẫn nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu ủng hộ đề xuất bỏ hình phạt tử hình cho cả 8 tội danh. Trong khi đó, một nhóm khác chỉ đồng tình với 4 tội liên quan đến an ninh quốc gia như: hoạt động lật đổ, gián điệp, phá hoại cơ sở vật chất và gây chiến tranh xâm lược. Đối với các tội còn lại, họ cho rằng vẫn cần giữ mức án tử hình để bảo đảm tính nghiêm khắc trong xử lý.