Cưỡng đoạt 2,5 tỷ của 25 bị hại nhờ “bảo kê” dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình
Vụ án Đường Nhuệ trong năm vừa qua đã gây chấn động trong dư luận. Sau sự giàu có xa hoa của vợ chồng Đường Nhuệ là những hành vi bất chính trong suốt nhiều năm nay mới bị bại lộ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình vừa hoàn tất bản kết luận điều tra (KLĐT), đề nghị VKSND cùng cấp truy tố vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”, 50 tuổi) cùng đồng phạm về tội Cưỡng đoạt tài sản. Với tổng tài sản chiếm đoạt gần 2,5 tỷ đồng, phần lớn các đối tượng bị đề nghị truy tố theo khoản 4 Điều 170 BLHS có hình phạt tối đa là 20 năm tù.
Mục lục
Bảo kê dịch vụ hỏa táng chiếm đoạt hàng tỉ đồng
Theo cơ quan điều tra thì vào cuối tháng 3/2016, Công ty Hoàng Long (Đơn vị quản lý Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình tại tỉnh Nam Định) ký hợp đồng với Công ty Thành Phát (trụ sở tại Thái Bình). Công ty Thành Phát có trách nhiệm nhận thông tin ca hỏa táng trên địa bàn tỉnh để báo cho Đài hóa thân Thanh Bình.
Cuối năm 2017, ông Bùi Văn Minh (46 tuổi, ngụ Thái Bình) muốn mở dịch vụ hỏa táng nên nhờ Đường “hỗ trợ”. Hai người cùng sang gặp ông Trần Ngọc Giao (đại diện Cty Hoàng Long) để đặt vấn đề.
- Bảo kê trong vụ buôn lậu, làm giả 200 triệu lít xăng dầu
- Làm Thất Thoát 308 Tỷ Đồng – Cựu Lãnh Đạo Tỉnh Bình Thuận Chuẩn Bị Hầu Tòa
- Phán Quyết Sơ Thẩm Cho 17 Bị Cáo Trong Vụ Án “Chuyến Bay Giải Cứu”
- Cựu Quan Chức Xin Khoan Hồng: Những Hệ Lụy Của Văn Hóa Phong Bì
- Dạy Cách Làm Giàu Qua Tiền Ảo Lừa Đảo Hàng Chục Tỷ Đồng
Tại buổi gặp mặt, ông Giao nhờ Đường “kết hợp với Công ty Thành Phát quản lý, giữ ổn định dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình”. Từ đó, Đường nảy sinh ý định buộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh phải nộp 500.000 đồng/ca. Cuối tháng 12/2017, sau khi buộc Cty Thành Phát phải ngừng hoạt động dịch vụ tại Thái Bình, Đường tự xưng “Chủ tịch Hiệp hội” để đứng ra thu tiền vào các ngày mùng 5 và 20 âm lịch hàng tháng.
Để hợp thức hóa vi phạm, nhóm của Đường yêu cầu các đơn vị hỏa táng ký hợp đồng với Cty Đường Dương để ràng buộc. Các đơn vị, cá nhân “vi phạm nội quy, trốn báo ca hoặc hoạt động sai địa bàn” sẽ bị chặn xe, đánh đập, cắt địa bàn hoạt động.
Trong vòng hơn hai năm, cụ thể là từ 16/12/2017 tới 5/4/2020, Đường cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của 25 bị hại tổng số tiền gần 2,5 tỷ. Đại diện ty Vĩnh Hằng là đơn vị bị chiếm đoạt nhiều tiền nhất (645 triệu đồng) từng ý kiến về việc thu tiền nhưng bị Đường đe dọa, chèn ép.
Cơ quan điều tra xác định Đường cùng đàn em “không có hành vi khách quan đe dọa sẽ dùng vũ lực” nhưng đã sử dụng thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần của các bên liên quan. Cụ thể, Đường thể hiện ý định chiếm lĩnh thế độc quyền của Công ty Thành Phát nhằm thu tiền tang lễ bằng cách tự xưng là “chủ tịch hiệp hội tang lễ Thái Bình” và yêu cầu đơn vị kinh doanh nộp 500.000 đồng/ca hỏa táng. Không dừng lại ở đó, Đường còn cùng “đàn em” trực tiếp tới văn phòng, đe dọa người đại diện Cty Thành Phát để buộc đơn vị này phải ngưng hoạt động tại Thái Bình.
Theo cơ quan điều tra đánh giá các bị can Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy và Nguyễn Khắc Nin biết rõ việc Cty Đường Dương không có chức năng, không đăng ký kinh doanh về lĩnh vực tang lễ và cũng không đầu tư gì cho các cơ sở dịch vụ tang lễ Thái Bình. Tuy nhiên các đối tượng vẫn cùng Đường “ăn chặn” tiền hỏa táng, cưỡng đoạt tài sản của các đơn vị liên quan.
Hành vi của Đường đủ yếu tố cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản
Qua những hành vi của Đường cùng đồng phạm, CQĐT xác định hành vi của Đường đủ yếu tố cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản. Những bị can khác là đồng phạm, tham gia vụ án với vai trò người giúp sức.
Trong giai đoạn truy tố, điều tra bổ sung, Nguyễn Thị Dương đã thay đổi lời khai. Dương cho rằng do “bị dụ cung” nên khai bản thân ý thức được Đường sẽ dùng những bản hợp đồng có chữ ký, đóng dấu của Dương để áp đặt các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại Thái Bình. Sau đó, Dương khai “không biết Đường dùng hợp đồng để làm gì và luôn khuyên chồng không sử dụng hợp đồng vào việc vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên, CQĐT cho biết trong suốt quá trình điều tra, sức khỏe của Dương luôn ổn định. Dương làm việc với CQĐT mà không bị ai ép buộc, đánh đập. Những lời khai, bản cung của Dương đều được đọc lại, viết tự khai và ký xác nhận.
Ngoài ra, CQĐT đánh giá Dương là Giám đốc Cty Đường Dương nên bị can phải nhận thức đầy đủ về các hành động của Đường. Do đó, CQĐT bác bỏ việc thay đổi lời khai của Dương và kết luận Dương là đồng phạm với Đường với tư cách người giúp sức.
Cũng trong quá trình điều tra bổ sung, Quách Việt Cường (người thay thế Lợi đứng ra thu tiền hỏa táng) đã làm đơn kêu oan. Bị can cho rằng “chỉ làm theo chỉ đạo, không biết cách thức hoạt động như thế nào và chỉ đi cầm tiền về cho Nguyễn Xuân Đường”. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu điều tra, công an kết luận Cường đồng phạm với Đường trong vụ án. Số tiền bị can thu về cho Đường là hơn 288 triệu đồng. Cường bị đề nghị truy tố theo tình tiết định khung tại điểm a, khoản 3, Điều 170 BLHS với khung hình phạt 7-15 năm tù.
Trong quá trình điều tra, Lợi, Nin và Úy thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên cơ quan điều tra đánh giá các bị can được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Khoản 1, Điều 51 BLHS. Còn Đường, Dương và Cường không thành khẩn, bao che đồng phạm nên không được hưởng tình tiết này.
Ngoài ra, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra hành vi của Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến “Trắng”, con nuôi của Đường), Đào Văn Bằng, Tô Văn Sơn, Bùi Văn Minh, Lương Trung Thái và Đỗ Văn Nhật trong từng giai đoạn của vụ án để xem xét khởi tố, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện tại, Đường đang lĩnh 6 năm tù, còn Dương lĩnh 4 năm 6 tháng tù do liên quan tới một số vụ án xảy ra tại Thái Bình.
Sự bành trướng của Đường Nhuệ đã khiến không ít người dân ở Thái Bình rơi vào cảnh lao đao, sống, kinh doanh trong sự lo sợ. Hành vi của Đường Nhuệ và đồng bọn cần bị xử lý nghiêm mình, chỉ khi nào các dịch vụ bảo kê, đòi nợ,.. không còn tồn tại hì người dân mới có thể yên tâm làm ăn.