Cựu CEO SCB đề nghị xem xét lại số tiền liên quan đến cáo buộc chiếm đoạt 28.000 tỷ đồng
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cùng luật sư yêu cầu tòa án và Viện Kiểm sát xem lại cách tính, khẳng định số tiền bị cáo hỗ trợ bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt chỉ dừng lại ở mức 7.900 tỷ đồng, thay vì con số 28.469 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên tổng giám đốc SCB, đã tích cực hỗ trợ bà Lan trong việc phát hành và bán trái phiếu tới người dân, tiếp tay cho bà Lan chiếm đoạt hơn 28.469 tỷ đồng từ 35.818 nạn nhân. Ông Võ Tấn Hoàng Văn có khả năng phải đối mặt với mức án từ 17 đến 19 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong phần tự bào chữa tại phiên tòa chiều ngày 8/10, ông Văn thừa nhận hành vi theo bản cáo trạng, nhưng đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát xem xét lại các số liệu mà luật sư của ông đã thu thập nhằm xác định vai trò của ông trong vụ việc.
- Bắt Giám Đốc GFDI Lừa Đảo 3.700 Tỷ Đồng
- Hiệu trưởng trường nội trú “để học sinh ăn cơm trộn mì tôm” bị bắt tạm giam
- 111 đối tượng đòi nợ cho ngân hàng theo kiểu ‘xã hội đen’ bị tuyên án
- Bỗng nhiên ‘bốc hơi’ 5,3 tỷ đồng khỏi tài khoản ngân hàng
- Thủ Đoạn Tinh Vi Làm Giả Giấy Tờ Chiếm Đoạt Tiền Ngân Hàng
Bị cáo đưa ra ví dụ về một giao dịch xảy ra vào tháng 9/2019, khi khách hàng A mua trái phiếu từ SCB với thời hạn một năm. Sau khi hết hạn, khách hàng này bán lại trái phiếu cho Công ty Chứng khoán Tân Việt và Tân Việt tiếp tục bán số trái phiếu đó cho khách hàng B. Tuy nhiên, bị cáo lại bị buộc tội liên quan đến số trái phiếu mà khách hàng B sở hữu cho đến thời điểm khởi tố vụ án.
Về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cho biết đã duyệt 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài với tổng giá trị hơn 516 triệu USD. Nhưng trong số đó, có 12 giao dịch, trị giá hơn 400 triệu USD, là để trả nợ các khoản vay cho 5 tổ chức nước ngoài đã đầu tư mua cổ phần của SCB. Những giao dịch này đã được báo cáo và chấp thuận bởi Ngân hàng Nhà nước, do đó ông mong tòa xem xét lại tình tiết này.
Đồng thời, ông Văn cũng khẩn cầu Hội đồng xét xử cho phép ông được ký các thủ tục pháp lý để người vợ hiện tại có quyền giám hộ đối với người con riêng của ông (mẹ cháu đã qua đời) đang mắc bệnh tâm thần, nhằm tiện cho việc chăm sóc và chữa trị. Ông cũng xin được ký giấy nhận con riêng của vợ làm con hợp pháp, để cháu có thể vào thăm ông như các anh chị em khác trong gia đình.
Cuối cùng, cựu tổng giám đốc SCB đề nghị tòa hủy bỏ lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng cá nhân để tạo điều kiện cho vợ ông đang một mình chăm sóc 6 người con.
Trong phần bào chữa cho bị cáo Văn trước đó, luật sư Lê Hồng Nguyên đã yêu cầu tòa án xem xét lại vai trò của thân chủ trong vụ án. Luật sư lập luận rằng ông Văn không tham gia vào việc đưa ra quyết định phát hành trái phiếu, mà chỉ thực hiện nhiệm vụ phát triển sản phẩm và bán trái phiếu cho người dân sau khi quá trình phát hành ở giai đoạn sơ cấp đã kết thúc.
Luật sư cũng chỉ ra rằng ông Văn hiện đang bị cáo buộc liên quan đến gói trái phiếu do Công ty Setra phát hành vào tháng 8/2020, với mục đích lấy tiền trả lãi cho các trái phiếu mà trái chủ đã mua trước đó. Tuy nhiên, bị cáo đã chính thức nghỉ việc từ tháng 7/2020, trước khi gói trái phiếu này được phát hành.
Để củng cố lập luận, luật sư trích dẫn văn bản từ Công ty Chứng khoán TVS gửi cho đội ngũ bào chữa vào ngày 3/10. Trong đó, kèm theo các số liệu cho thấy ông Văn chỉ liên quan đến việc bán trái phiếu của hai tổ chức phát hành với tổng giá trị hơn 7.900 tỷ đồng cho khoảng 9.000 nhà đầu tư.
Luật sư cho rằng đây là một “tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng” và đề nghị tòa cùng Viện Kiểm sát cân nhắc lại mức án phù hợp sau khi làm rõ vai trò thực tế của bị cáo.
Phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm trong giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát vẫn đang diễn ra, với phần bào chữa từ các luật sư và những bị cáo khác còn lại.
Bà Lan, người đóng vai trò chủ chốt trong vụ án liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đang đối diện với mức án chung thân cho tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo lời đề nghị của Viện Kiểm sát; từ 12 đến 13 năm tù cho tội Rửa tiền và từ 8 đến 9 năm tù cho tội Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới. Tổng hợp hình phạt mà bà phải chịu là án tù chung thân.
Ngoài ra, tòa án yêu cầu bà Lan có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra trong vụ án, đồng thời tiếp tục phong tỏa các bất động sản và tài sản liên quan của bị cáo để khắc phục hậu quả.