Lừa 123 người, chiếm đoạt 65 tỷ đồng bằng thủ đoạn huy động vốn
Thời gian vừa qua, nhiều vụ lừa đảo thủ phạm là người nước ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn xã hội. Mới đây, vụ việc Kim Bumjae cùng đồng phạm đã lừa 123 người, chiếm đoạt 65 tỷ đồng bằng thủ đoạn huy động vốn với cam kết lãi suất cao gây chấn động dư luận.
Mục lục
Huy động vốn trái pháp luật nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo kết luận điều tra, đầu năm 2015, Kim Bumjae được một đối tượng Hàn Quốc giới thiệu là Tổng Giám đốc Công ty IDS Holdings Hàn Quốc, có chi nhánh ở nhiều nước và đề nghị Kim Bumjae làm đại diện chi nhánh tại Việt Nam. Công việc của Kim Bumjae là kêu gọi đầu tư, huy động tài chính, thỏa thuận cho 4%/tổng số tiền huy động, số còn lại bị can sẽ phải chuyển sang Hàn Quốc để đầu tư kinh doanh ngoại hối (forex).
Để lập các dự án khác nhằm lừa đảo các nhà đầu tư, Kim Bumjae còn chỉ đạo đồng phạm lập thêm 6 công ty: TNHH Khanh Holdings thầu dự án CLB Poker; Công ty TNHH MTV ăn uống Phú Gia để giới thiệu với nhà đầu tư là công ty mở rộng kinh doanh lĩnh vực karaoke; Công ty TNHH Khanh Tourist sử dụng ký kết các hợp đồng thuê tàu, thuê nhà thầu thi công tàu Khanh Cruise; Công ty TNHH Raon Global được sử dụng để thuê văn phòng tại tòa nhà Bitexco; Công ty CP Khanh Republic và Công ty TNHH MTV Khanh Initial cũng được thành lập nhưng không hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Nhóm đối tượng dùng chiêu thức ”mua hàng tích điểm nhận thưởng” để lừa đảo tiền tỉ
- Cựu Giám đốc Công ty Jako lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng từ trái phiếu
- Công an Quảng Bình triệt phá thành công đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Lừa 68 tỷ của 4 người phụ nữ, nguyên trụ trì chùa Vĩnh Long xin án tử hình
Khoản thời gian từ tháng 4/2015 đến tháng 10/2018, Kim Bumjae thành lập công ty TNHH đầu tư IDS Capital, công ty đầu tư IDS Holdings, TNHH Raon VN và công ty TNHH Khanh Asset để huy động tài chính trái pháp luật. Thực tế, tiền các bị can huy động được đều sử dụng trả lãi, hoa hồng cho người tham gia trước, chi phí hoạt động, duy trì hệ thống và chiếm đoạt, sử dụng cho cá nhân.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát cùng cấp, đề nghị truy tố bị can Kim Bumjae (sinh năm 1969, quốc tịch Hàn Quốc, Giám đốc Công ty Raon VN, Công ty Khanh Asset) cùng 7 đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra cũng ghi nhận cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã tiếp nhận đơn tố cáo của 126 cá nhân tố cáo Kim Bumjae và đồng phạm có hành vi chiếm đoạt hơn 87 tỷ đồng thông qua việc huy động tài chính bằng pháp nhân Công ty Raon VN, Khanh Asset. Quá trình làm việc xác định 126 cá nhân trên đã nhận tổng số tiền lãi là hơn 26,5 tỷ đồng, trong đó 123 cá nhân bị chiếm đoạt hơn 65 tỷ đồng, 3 cá nhân không bị chiếm đoạt, được hưởng lợi gần 4,5 tỷ đồng.
Hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác lần đầu và chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự (tài sản bị lừa đảo có trị giá dưới 02 triệu, không phải phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, không gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội) thì bị phạt hành chính.
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Như vậy, người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới mức chịu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt hành chính đến 02 triệu đồng.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
– Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Phạm tội có tổ chức;
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
– Tái phạm nguy hiểm;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
– Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu xảy ra thiệt hại, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải đền bù cho người bị lừa đảo theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thế như sau:
– Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Như vậy, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.