Luật ly hôn ở Đức: Các vấn đề cơ bản
Theo thống kê, Đức là nước có tỷ lệ ly hôn khá cao. Vậy luật ly hôn ở Đức như thế nào? Có nhiều điểm khác biệt so với ly hôn ở Việt Nam hay không? Cùng chúng tôi tìm hiểu các vấn đề cơ bản như điều kiện ly hôn, ly hôn đồng thuận, trình tự ly hôn trong bài viết sau đây.
Mục lục
Điều kiện ly hôn ở Đức
Điều kiện ly hôn là phải làm rõ cả hai không thể tiếp tục hôn nhân. Điều này được chứng minh bằng một năm ly thân. Sau một năm ly thân, cả vợ và chồng có thể cùng đệ đơn hoặc một người đệ đơn, người còn lại đồng ý kí đơn ly hôn. Có nghĩa, cả hai thuận tình ly hôn.
Trong trường hợp đăc biệt khó khăn Härtefall, vợ chồng có thể ly hôn trước khi hết thời gian ly thân. Trường hợp này xảy ra khi có lý do đặc biêt, chẳng hạn khi người chồng/vợ gây ra tội hình sự không nhẹ đối với người còn lại. Luật sư sẽ xem xét xem có rơi vào trường hợp này không. Tuy nhiên, trên thực tế trường hợp này ít xảy ra. Nếu ly thân ba năm sẽ tự động được xem như hôn nhân thất bại và được tòa giải quyết đơn ly hôn. Trong trường hợp này, ngay cả khi một người không muốn ly hôn cũng khó chống lại quyết định của tòa.
Ly hôn đồng thuận ở Đức
Điều kiện cơ bản cho một vụ ly hôn đồng thuận là cả hai cùng tự nguyện đồng ý ly hôn. Trước khi đệ đơn ly hôn trước tòa phải có một năm ly thân. Có nghĩa, hoặc là một trong hai người dọn ra hỏi căn hộ chung hoặc cùng sống trong căn hộ nhưng không gian sinh hoạt riêng, tức ăn riêng, ngủ riêng, tắm riêng.
Ngoài ra, cả hai phải thống nhất phân chia những tài sản chung như những đồ vật được mua trong thời gian kết hôn, bất động sản chung…Nếu có con cái dưới tuổi vị thành niên, phải thống nhất ai sẽ là người nuôi con, ai có quyền chăm sóc con, ai có trách nhiệm cấp dưỡng Kindesunterhalt và mức cấp dưỡng bao nhiêu.
Về cơ bản, sau khi ly hôn cả bố và mẹ đều có quyền chăm sóc Sorgerecht. Nếu thống nhất được tất cả những điểm trên, sẽ được tòa án chấp nhận đơn ly hôn thuận tình. Ly hôn đồng thuận có nhiều lợi ích. Thông thường, thủ tục ly hôn thuận tình diễn ra nhanh chóng hơn khi có tranh chấp, ít tốn kém hơn do chỉ cần thuê một luật sư.
Trình tự ly hôn ở Đức
Một vụ ly hôn bắt đầu bằng việc nộp đơn ly hôn ở tòa án địa phương Familiengericht/ Amtsgericht chịu trách nhiệm. Nếu cả vợ và chồng vẫn sống tại căn hộ chung, tòa án tại nơi đang sinh sống sẽ chịu trách nhiệm.
Nếu hai người sống tại hai căn hộ riêng tại hai địa điểm khác nhau và một trong hai người đang sống cùng con dưới tuổi vị thành niên, tòa án tại nơi ở của người đang chăm sóc trẻ dưới tuổi vị thành niên chịu trách nhiệm. Nếu cả hai không sống tại nơi ở trước đây, tòa án tại nơi hai người cùng chung sống lần cuối cùng sẽ chịu trách nhiệm.
Tòa sẽ thông báo cho người còn lại về thủ tục ly hôn. Sau đó cả hai bên nhận được câu hỏi về cân bằng chăm sóc Versorgungsausgleich để giúp phân chia thời gian hưu trí Rentenanwartschaft có được trong thời gian kết hôn liên quan đến chăm sóc khi về già hay khi mất khả năng lao động. Về cơ bản, tòa án sẽ viết thư cho bảo hiểm hưu trí để được thông báo về thời gian này.
Trong một số trường hợp có thể bỏ qua việc này. Luật sư sẽ tư vấn xem có nên làm không. Điều này giúp giảm giá trị tranh cãi và rút ngắn thời gian ly hôn. Sau khi làm rõ các vấn đề gia đình khác, tòa sẽ đưa ra lịch ly hôn. Buổi ly hôn trước tòa thường kéo dài khoảng 10 phút. Nếu cả hai đều có luật sư đại diện, quyết định ly hôn lập tức có hiệu lực pháp lý. Nếu không, sau 4 tuần mới có hiệu lực.
Trên đây là một số vấn đề cơ bản về luật ly hôn ở Đức. Cũng như luật ly hôn tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, luật ly hôn ở Đức chú trọng bảo vệ quyền lợi của các bên, đặc biệt là quyền lợi của con cái khi cha mẹ chúng ly hôn.