Luật quốc tế là gì? Nguồn của luật quốc tế
Trong bối cảnh giao lưu quốc tế ngày càng được mở rộng và trở nên phức tạp, luật quốc tế càng trở nên cần thiết để là căn cứ điều chỉnh cho mối quan hệ quốc tế của các quốc gia. Sự hiểu biết về luật quốc tế cũng vì vậy mà trở thành một trong những yêu cầu của hội nhập. Vậy luật quốc tế là gì? Có nguồn từ đâu?
Mục lục
Luật quốc tế là gì?
Luật quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế. Các nước khác nhau sẽ có hệ thống luật pháp khác nhau, để thống nhất sự khác nhau ấy về điểm chung nhằm tăng cường các mối quan hệ ngoại giao trên tất cả các lĩnh vực là yêu cầu công việc chung của những ai thực thi công việc liên quan đến luật quốc tế.
Đối tượng điều chỉnh là quan hệ xã hội phát sinh giữa các chủ thể luật quốc tế với nhau, tuy nhiên khong phải đều là đối tượng điều chỉnh của luật quốc tế. Được xây dựng dựa trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia nên không có cơ quan xây dựng luật, việc xây dựng luật chủ yếu do thỏa thuận giữa các chủ thể luật quóc tế dưới hình thức ký kết các điều ước quốc tế hoặc tuyên bố chung giữa các quốc gia.
Chủ thể của Luật quốc tế
Chủ thể của luật quốc tế gồm:
– Các quốc gia có chủ quyền: Quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia mình và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế.
– Các dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết.
– Các tổ chức quốc tế liên chính phủ (liên chính phủ và phi chính phủ).
Nguồn của Luật quốc tế
Nguồn của Luật quốc tế là những hình thức biểu hiện sự tồn tại hay chứa đựng các nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế do các quốc gia và các chủ thể khác của Luật quốc tế thỏa thuận xây dựng nên.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 38 Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế thì nguồn của Luật quốc tế bao gồm : Điều ước quốc tế; Tập quán quốc tế; Các nguyên tắc pháp luật chung; Phán quyết của Tòa án công lý quốc tế; Các học thuyết về Luật quốc tế… Tuy nhiên, trên thực tế vai trò của các nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ và hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng và không thể phủ nhận.
Trong các loại nguồn được liệt kê trên thì điều ước quốc tế ( nguồn thành văn) và tập quán quốc tế ( nguồn bất thành văn) có thể xem là hai loại nguồn chủ yếu, cơ bản và có vai trò quan trọng nhất.