Luật quốc tế về môi trường
Hiện nay, xã hội phát triển làm gia tăng các loại khí, chất gây ô nhiễm môi trường, các quốc gia phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường. Luật quốc tế về môi trường được hình thành là hành lang pháp lý buộc các quốc gia thành viên phải tuân theo nhằm bảo vệ môi trường sống của toàn nhân loại
Mục lục
Khái niệm Luật quốc tế về môi trường
Luật quốc tế về môi trường được hiểu là tổng hợp các nguyên tắc và các quy phạm pháp lý quốc tế điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể của luật quốc tế phát sinh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hợp tác và phát triển bền vững vì lợi ích của cộng đồng quốc tế.
Điều đáng chú ý là, cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp lý quốc tế nào ghi nhận toàn bộ các nguyên tắc và quy phạm về bảo vệ môi trường ở mức độ toàn cầu. Hầu hết các nguyên tắc chỉ mang tính chất khuyến nghị nằm rải rác trong nhiều văn kiện pháp lý khác nhau như Tuyên bố Stockholm 1972 về môi trường con người, Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển 1992…
Nội dung cơ bản của Luật quốc tế về môi trường
1. Bảo vệ môi trường biển và bảo vệ môi trường nước trên đất liền
a. Bảo vệ môi trường biển
+ Theo khoản 4 Điều 1 Công ước Luật biển 1982, môi trường biển được hiểu không chỉ bao gồm tài nguyên sinh vật, hệ sinh thái biển (rừng ngập mặn) mà còn chất lượng biển, cảnh quan biển.
Mặc dù vấn đề bảo vệ và giữ gìn môi trường biển đã được các nhà luật học đề cập tới những năm 20 của thế kỷ này nhưng mãi cho tới những năm 50, Công ước đầu tiên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển mới được ký kết. Cho đến nay, một số công ước quan trọng trong lĩnh vực này là:
– Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc;
– Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973, sửa đổi bởi Nghị định thư 1978 (Công ước Marpol 73/78);
– Công ước quốc tế liên quan đến can thiệp trên biển cả trong trường hợp tai nạn gây ô nhiễm dầu (INTERVENTION) 1969;
– Công ước quốc tế về sẵn sàng ứng phó và hợp tác trong xử lý ô nhiễm dầu (OPRC) 1990.
b. Bảo vệ môi trường nước trên đất liền
Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, các Điều ước quốc tế về môi trường nước tăng lên đáng kể, mặc dù ngay từ đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện một số Điều ước quốc tế đầu tiên về vấn đề này. Một số Điều ước quốc tế chủ yếu được biết đến là:
– Hiệp định về đường thủy trên sông St. Lawrence giữa Mỹ và Canada 1959;
– Hiệp định Harane về chương trình hành động của quốc gia hệ thống sông Zambezi 1987.
– Ngoài ra còn nhiều Điều ước khác được ký kết ở khắp các châu lục từ châu Mỹ đến châu Âu, từ châu Phi đến châu Á và nhiều khu vực trên thế giới.
– Hiện này, Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế duy nhất đang tiến hành pháp điển hóa luật về sử dụng nước quốc tế thông qua Ủy ban Luật pháp quốc tế.
2. Bảo vệ khí quyển và khí hậu
Xã hội càng phát triển càng làm gia tăng các loại khí gây ô nhiễm cho môi trường khí quyển, dẫn đến các hiện tượng đe dọa đời sống trên Trái đất như hiện tượng mưa axit, hiện tượng nước biển dâng cao gây ngập lụt cho các vùng duyên hải của quốc gia…Những hậu quả nguy hiểm này buộc loài người phải có những hoạt động cần thiết để hình thành một chế độ pháp lý quốc tế ngăn ngừa và giảm thiểu các hiện tượng thảm họa nêu trên. Do đó, Công ước Viên về bảo vệ tầng ôzôn 1985 và Công ước khung về thay đổi khí hậu 1992 đã ra đời.
Công ước Viên về bảo vệ tầng ôzôn 1985: Công ước này được coi là Công ước khung quy định các nghĩa vụ cơ bản của các quốc gia có liên quan đến việc giám sát và trao đổi thông tin, ban hành các văn bản pháp luật và các biện pháp hành chính cần thiết, thông báo các biện pháp đã được thỏa thuận, trình tự, thủ tục và các tiêu chuẩn, cũng như sự hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm hạn chế và ngăn chặn các hoạt động của con người có thể mang lại tác động xấu tới tầng ôzôn.
Công ước khung về thay đổi khí hậu của Liên hợp quốc 1992: đây được coi là Công ước quốc tế toàn diện và quan trọng nhất trong lĩnh vực này. Công ước chỉ chủ yếu tập trung vào các nguyên tắc và nghĩa vụ chung của các quốc gia thành viên trong việc ngăn ngừa hiện tượng Trái đất nóng lên.
3. Bảo vệ đa dạng sinh học
– Trong những năm vừa qua đã có rất nhiều loài bị tuyệt chủng, và con số này được dự tính là sẽ không ngừng tăng lên. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, các quốc gia đã thỏa thuận ký kết một loạt các Điều ước quốc tế, trong đó phải kể đến:
– Công ước RAMSAR 1971 về các vùng ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước;
– Công ước CITES 1973 về buôn bán quốc tế các loài động thực vật có nguy cơ bị đe dọa;
– Công ước về đa dạng sinh học Rio de Janeiro 1992.