Mất 650 triệu đồng sau khi làm theo hướng dẫn từ số điện thoại lạ giả nhân viên ngân hàng
Thời gian vừa qua, những vụ lừa đảo qua điện thoại, liên quan đến thẻ ngân hàng ngày càng nhiều với chiêu thức tinh vi, xảo quyệt. Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng người dân vẫn chủ quan và mắc bẫy bọn tội phạm lừa đảo. Mới đây, một giáo viên trú tại huyện Nho Quan, Ninh Bình nhận được cuộc gọi thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi mã OTP, thực hiện theo hướng dẫn của người giả mạo nhân viên ngân hàng và bị mất luôn 650 triệu đồng trong tài khoản.
Mục lục
Giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại lừa đảo
Sáng ngày 27.2, chị N.T.T.H, (là giáo viên một trường THCS trên địa bàn huyện Nho Quan, Ninh Bình) nhận được cuộc điện thoại của một người lạ tự xưng là nhân viên của một ngân hàng có chi nhánh Ninh Bình gọi điện thông báo tài khoản của chị tại ngân hàng bị lỗi mã OTP. Nếu không kích hoạt lại, tài khoản sẽ bị đóng băng.
Đối tượng còn đọc đúng lịch sử các cuộc giao dịch gần đây của chị H tại ngân hàng. Ngay sau đó đối tượng này kết bạn zalo và hướng dẫn chị H cách thực hiện quét mã QR để kích hoạt lại mã OTP.
- Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá đường dây đánh bạc, cá độ bóng đá
- Bắt Giữ 2 Đối Tượng Người Trung Quốc Do Cướp Tài Sản Tại Thành Phố Móng Cái
- TAND TP Thái Bình tuyên phạt 4 bị cáo trong vụ trẻ 5 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe
- Thanh Niên 18 Tuổi Lừa Trao Đổi Vợt Pickleball Trên Mạng Rồi Bán Lấy Tiền Tiêu Xài
- Bắt Giám Đốc GFDI Lừa Đảo 3.700 Tỷ Đồng
Vì chị H không biết cách thực hiện nên đối tượng đề nghị sẽ làm giúp chị và yêu cầu chị đọc mã của tin nhắn do ngân hàng gửi tới.
Đối tượng này nói với chị H sau khi mã OTP được kích hoạt lại, ngân hàng sẽ hoàn trả lại tiền sau 2 phút để trấn an chị. Không chút nghi ngờ, chị H đã làm theo hướng dẫn và 3 lần cung cấp mã OTP cho đối tượng.
Liền ngay sau đó chị nhận được 3 tin nhắn xác nhận trừ tiền trong tài khoản, lần 1 trừ 300 triệu đồng; lần 2 trừ 200 triệu đồng và lần 3 trừ 150 triệu đồng. Ngay sau đó, không thấy tiền được hoàn trả về, biết mình bị lừa, chị H đã báo sự việc trên với ngân hàng nêu trên ở Ninh Bình và Công an huyện Nho Quan.
Hiện Công an huyện Nho Quan, Ninh Bình cho biết, đơn vị đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc
Xử phạt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Như vậy, người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới mức chịu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt hành chính đến 02 triệu đồng.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
– Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Phạm tội có tổ chức;
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
– Tái phạm nguy hiểm;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
– Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản. Những vụ việc lừa đảo với hình thức tương tự xảy ra rất nhiều, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác. Đồng thời ngân hàng cũng cần có động thái bảo vệ người sử dụng như nhắn tin cảnh báo các hình thức lừa đảo để người dân nâng cao cảnh giác hơn, tránh những sự việc tương tự xảy ra.