Mức phạt cho hành vi lừa đảo của Liên Kết Việt
Gần đây, dư luận xôn xao và vô cùng phẫn nộ trước hành vi lừa đảo của Liên Kết Việt. Trong phiên xét xử của vụ án, HĐXX nhận định Lê Xuân Giang là chủ mưu, chiếm hưởng phần lớn số tiền thu lợi phi pháp nên phải nhận mức án cao nhất trong vụ án.
Mục lục
Hơn 68.000 bị hại trải rộng khắp 49 tỉnh thành phố, các bị cáo Liên Kết Việt bị xử phạt thế nào?
Chiều 25/12, sau 5 ngày xét xử và nghị án, bị cáo Lê Xuân Giang, 49 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt, bị TAND Hà Nội tuyên phạt tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, điều 139 Bộ luật Hình sự 1999.
Nguyễn Thị Thuỷ, cựu phó tổng giám đốc Liên Kết Việt, bị phạt 18 năm tù. Thủy bị cáo buộc chỉ đạo nhóm phát triển thị trường, trực tiếp đưa ra phương thức lừa đảo. Trong 17 tháng làm việc cho Giang, Thuỷ được trả hơn 38 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng 2,2 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra và xét xử tại toà, Thuỷ bị đánh giá chưa thực sự thành khẩn khai báo.
- Công an Quảng Nam triệt phá thành công đường dây cho vay nặng lãi hơn 20.000 tỷ đồng
- Công an TP HCM bắt giữ các bị cáo núp bóng công ty luật để đòi nợ thuê
- Cựu chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi bị Cơ quan chức năng triệu tập
- Lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn gian lận tài chính hơn 640 tỷ đồng
- Cựu Chủ tịch và cựu Bí thư Thanh Hóa nộp mỗi người 22,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả
Lê Văn Tú, cựu tổng giám đốc Liên Kết Việt, cháu ruột của Giang, bị phạt 17 năm tù. Các bị cáo Trịnh Xuân Sáng và Lê Thanh Sơn mỗi người 16 năm tù. Hai bị cáo còn lại Nguyễn Xuân Trường và Vũ Thị Hồng Dung, lần lượt lĩnh 14 và 13 năm tù.
7 bị cáo phải liên đới bồi thường 371 tỷ đồng cho 5.818 bị hại, trong đó Giang phải bồi thường 268 tỷ đồng, Tú 30 tỷ. Các bị cáo còn lại nộp toàn bộ số tiền chiếm hưởng trong quá trình làm việc tại Liên Kết Việt.
HĐXX nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp với hơn 68.000 bị hại trải rộng khắp 49 tỉnh thành phố. Mặt khác, do Covid-19 bùng phát, quá trình công tác điều tra, truy tố bị kéo dài.
Trong phiên tòa, Giang liên tục đổ trách nhiệm cho thuộc cấp, khai phạm tội do “các yếu tố khách quan, năng lực quản lý hạn chế, không cố ý lừa đảo. 6 bị cáo lại khai làm theo sự chỉ đạo trực tiếp của Giang.
Cáo trạng của Viện kiểm sát
Đại diện VKS cho biết đây là vụ án quy mô lớn. Ngoài hơn 9.000 đơn trình báo, tố giác và hơn 7.200 biên bản làm việc với các bị hại, cơ quan điều tra còn tập hợp được email, tin nhắn điện thoại trao đổi công việc giữa 7 bị cáo và hơn 7.000 lệnh chuyển tiền vào 3 tài khoản ngân hàng đứng tên Giang và công ty, tổng cộng gần 1.900 tỷ đồng.
“Đây là chứng cứ vật chất rất đầy đủ… Việc chối tội của các bị cáo là vô nghĩa”, VKS nêu.
Riêng số hồ sơ, chứng từ, phiếu chi liên quan vụ án đã đựng đầy 35 hòm sắt. “Tại sao chúng tôi đưa ra được con số chính xác đến từng đồng đến thế, chứ không phải áng chừng? Vì từng tờ phiếu đều được kiểm đi kiểm lại, chứ không phải lấy tròn số”, nữ công tố viên nói.
Bản án xác định, Giang lập Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP năm 2004, chuyên sản xuất máy khử độc ozone, thực phẩm chức năng. Năm 2010, bị cáo tiếp tục thành lập Công ty Liên Kết Việt, xin cấp giấy phép kinh doanh đa cấp các sản phẩm của BQP.
Tháng 3/2013, Giang chỉ đạo in trên tất cả máy khử độc ozone của BQP dòng chữ “Sản phẩm này của Công ty BQP hợp tác sản xuất với Công ty Thanh Hà, Bộ Quốc phòng”, dù thực tế không liên doanh, liên kết với đơn vị này.
Chiêu này cũng được áp dụng để lừa đảo, quảng bá cho hàng loạt thực phẩm chức năng là sản phẩm “liên kết hợp tác nghiên cứu khoa học” với các bệnh viện quân đội tuyến trung ương. Thực tế, cơ quan điều tra xác định, các giấy xác nhận đều do ông Giang tự soạn thảo nhằm gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ.
Các bị cáo lôi kéo khách nộp tiền, hứa hẹn không cần mua sản phẩm vẫn có thể trở thành nhà phân phối, được trả hoa hồng cao thông qua 15 chương trình khuyến mại. Từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2015, Liên Kết Việt có mạng lưới 34 chi nhánh, lôi kéo được hơn 68.000 bị hại tại 49 tỉnh tham gia, lừa đảo gần 2.100 tỷ đồng.
Nguồn:
https://vnexpress.net/chu-tich-da-cap-lien-ket-viet-bi-phat-tu-chung-than-4211580.html