Hiện nay, tình trạng hàng nhái, hàng giả tràn lan gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế cũng như người tiêu dùng. Mới đây, vụ việc Trịnh Sướng và đồng phạm thu lợi bất chính từ sản xuất buôn bán xăng dầu giả hàng trăm tỉ đồng khiến dư luận vô cùng bàng hoàng, lo lắng. Ngày 8-1, TAND tỉnh Đắk Nông họp báo liên quan đến phiên tòa xét xử Trịnh Sướng (giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, trụ sở tại Sóc Trăng) và 38 bị cáo trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả.


Vụ án sản xuất buôn bán hàng giả lớn nhất toàn quốc
Vụ án có 39 bị cáo, năm tổ chức, năm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Hiện tại đã có 23 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và những người liên quan. Những người liên quan trong vụ án trải dài ở nhiều tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, TP.HCM, Đắk Nông.
“Trịnh Sướng là bị cáo thu lợi nhiều nhất với 102 tỷ đồng, Lê Văn Hùng là bị cáo thu lợi ít nhất với số tiền hơn 27 triệu đồng. Tổng số xăng giả được phát hiện trong vụ án trên 3,5 triệu lít” – đại diện cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Nông cho hay.
Nội dung vụ án thể hiện, ngày 22-1-2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt quả tang hai nhóm đối tượng có hành vi bán dung môi công nghiệp cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tại tỉnh Đắk Nông pha trộn với xăng để bán ra thị trường do Hồ Thị Nhân và Nguyễn Văn Hướng điều hành.
Kết quả điều tra xác định, nguồn dung môi Nhân mua của vợ chồng Nguyễn Thị Kim Loan, Hoàng Thụy Minh Việt (trú tại tỉnh Đồng Nai) Hướng, Loan và Việt mua dung môi của Công ty Phạm Sơn tại TP Cần Thơ do Nguyễn Thị Thu Hòa điều hành.
Quá trình điều tra mở rộng xác định Hòa còn bán dung môi cho nhiều tổ chức, cá nhân khác, trong đó có Nguyễn Ngọc Quan (trú tại TP.HCM). Công ty Phạm Sơn mua dung môi của Công ty Bình Minh do Lưu Văn Nguyện trực tiếp điều hành. Ngoài việc bán dung môi cho Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyện còn bán dung môi cho Trịnh Sướng tại tỉnh Sóc Trăng và Đinh Chí Dũng tại TP.HCM.
Ngày 28, 29 và 30-20219, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp các nhóm đối tượng Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Trịnh Sướng khi đang thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn TP.HCM, TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang.
Đến tháng 9-2020, VKSND tỉnh Đắk Nông ban hành cáo trạng truy tố đối với 39 bị cáo trên.
Hình phạt đối với tội sản xuất buôn bán hàng giả
Tại Điều 192 quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100 triệu đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
– Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 đến dưới 150 triệu đồng;
– Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 192 hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Các tội đã liệt kê trên cụ thể là:
+ Tội buôn lậu (Điều 188); Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189);
+ Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191);
+ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195);
+ Tội đầu cơ (Điều 196); Tội trốn thuế (Điều 200).
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
– Thu lợi bất chính từ 50 đến dưới 100 triệu đồng;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.
Pháp nhân thương mại vi phạm quy định trên thì bị phạt tiền từ 01 – 03 tỷ đồng.
Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Phạm tội có tổ chức;
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
– Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 đến dưới 500 triệu đồng;
– Thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng;
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng;
– Buôn bán qua biên giới;
– Tái phạm nguy hiểm.
Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc một trong các trường hợp trên thì bị phạt tiền từ 03 – 06 tỷ đồng, trừ các trường hợp: lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chứ; tái phạm nguy hiểm.
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
– Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên;
– Thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên;
– Làm chết 02 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp này thì bị phạt tiền từ 06 – 09 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài các mức phạt trên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bên cạnh đó, hình phạt bổ sung được áp dụng với pháp nhân thương mại là phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 – 03 năm.
Trong trường hợp pháp nhân thương mại thành lập chỉ để buôn bán hàng giả thì có thể bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Như vậy, người phạm Tội buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, phạt tù đến 15 năm. Pháp nhân phạm tội này thì có thể bị phạt tiền đến 09 tỷ đồng hoặc đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Sản xuất buôn bán hàng giả đem lại lợi nhuận khủng cho người thực hiện, tuy nhiên lại đem đến những tác hại khôn lường cho người dùng, cho nền kinh tế nói chung. Hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội … hậu qủa trực tiếp của hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp, gây thiệt hại đến lợi ích vật chất, uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hoá bị người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả. Chính vì vậy cơ quan nhà nước cần có những biên pháp răng đe hơn, quản lý chặt chẽ hơn để nạn sản xuất, buôn bán hàng giả không còn lộng hành như hiện nay.