Tiền lì xì được đưa cho trẻ bao nhiêu tuổi quản lý
Dịp tết nguyên đán, Tiền lì xì cũng là vấn đề nhiều người quan tâm. Nhiều người Việt Nam thường giữ tiền lì xì của con để mua cho con một món quà, một bộ phận khác cho con giữ, nhiều người thì dùng tiền lì xì của con. Vậy theo quy định pháp luật Tiền lì xì được đưa cho trẻ bao nhiêu tuổi quản lý?
Mục lục
Tiền người khác lì xì cho trẻ là tài sản riêng của trẻ và được pháp luật bảo vệ
Theo khoản 1 điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, con có quyền có tài sản riêng; tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
Như vậy, tiền người khác lì xì cho trẻ là tài sản riêng của trẻ và được pháp luật bảo vệ.
- Luật Hôn nhân Gia đình quy định về phân chia tài sản khi ly hôn
- Những vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em trên môi trường mạng Internet
- Vụ Án Tiền Giả Chấn Động Lãi Gấp 3.500 Lần
- Mạo Danh Là EVN Gọi Điện Đến Người Dân Yêu Cầu Cài App Lạ
- Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá đường dây đánh bạc, cá độ bóng đá
Việc quản lý tài sản riêng của con như thế nào sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của con
Theo khoản 1 và khoản 2 điều 76, việc quản lý tài sản riêng của con như thế nào sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của con. Cụ thể:
– Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
– Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
Theo khoản 1 và khoản 2 điều 77, việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên được thực hiện như sau:
– Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
– Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Căn cứ các quy định nêu trên, trẻ từ đủ 15 tuổi trở lên được quyền quản lý tài sản riêng (bao gồm tiền lì xì). Trường hợp dưới 15 tuổi thì tài sản riêng do cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý nhưng chỉ được định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con. Như vậy, cha mẹ không thể tự ý lấy tiền lì xì của con phục vụ cho mục đích khác (không vì lợi ích của con).
Cha mẹ tự ý lấy tiền lì xì của con (không được con đồng ý) phục vụ cho mục đích khác (không vì lợi ích của con) có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến một triệu đồng về lỗi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình, theo điểm a khoản 2 điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Nhiều vị phụ huynh ở nước ta thường quyết định tất cả những gì liên quan đến con, tuy nhiên chúng ta cũng cần cho con mình những sự tôn trọng để hình thành cho các bé những thói quen tốt, nhìn nhận tốt.