Tràn lan lừa đảo bằng công nghệ cao – Giả danh công an, tòa án gọi điện hù dọa
Bất ngờ nhận điện thoại từ số máy lạ, người gọi xưng là công an, Viện KSND, tòa án đang thụ lý vụ án liên quan, đề nghị người nghe… chuyển tiền vào tài khoản lạ để ‘điều tra’. Và nhiều người đã sập bẫy những màn lừa đảo bằng công nghệ.
Mục lục
Bỗng nhiên trở thành tội phạm
Đầu năm 2022, ông P.T.D. (60 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhận điện thoại từ một số lạ, đầu dây bên kia giọng người đàn ông tự xưng là Công an TP.Hà Nội thông báo: “Ông P.T.D., số CCCD 054234…. có địa chỉ tại P.Phước Bình, TP.Thủ Đức, có liên quan trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đề nghị ông D. phối hợp cung cấp thông tin để điều tra”.
Nghe người này đọc đúng tên, số CCCD, địa chỉ của mình, ông D. bất ngờ và lầm tưởng người này là công an thật. Ông D. giải thích với “cán bộ công an” qua điện thoại: “Từ trước tới giờ làm ăn chân chính, không vi phạm pháp luật nên không thể nào liên quan đến lừa đảo”. Nghe vậy, người đàn ông gọi điện yêu cầu ông D. giữ máy và chuyển cuộc gọi sang… Viện KSND TP.Hà Nội.
Chỉ mất 3 giây sau đó, ông D. được nối máy để gặp một phụ nữ, người này tự xưng là người của Viện KSND TP.Hà Nội. Và “người của Viện KSND TP.Hà Nội” thông báo với ông D., hiện Viện KSND TP.Hà Nội đang xem xét các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt giam ông D. để điều tra vì liên quan đến đường dây lừa đảo hơn 5 tỉ đồng. Trước khi ký các quyết định này, Viện KSND TP.Hà Nội gọi điện trao đổi thêm với ông D. về các chứng cứ để quyết định.
Tiếp đó, người phụ nữ đọc đúng số tài khoản ngân hàng của ông D. và đề nghị ông “ra ngân hàng sao kê, chuyển tiền vào tài khoản của Viện KSND TP.Hà Nội để xác minh. Sau khi xác minh xong sẽ chuyển trả lại số tiền trên cho ông D.”.
Vì quá lo sợ và để chứng minh mình không phạm tội, ông D. ngay lập tức ra ngân hàng thực hiện sao kê và làm theo hướng dẫn của “nữ nhân viên Viện KSND TP.Hà Nội”. Khi thực hiện các thủ tục chuyển tiền, ông D. chia sẻ câu chuyện của mình cho nhân viên ngân hàng thì nhân viên này liền cảnh báo ông D. đã gặp phải trò lừa đảo nên dừng lại giao dịch. “May gặp nhân viên ngân hàng giải thích, chứ không tôi đã bị mất hơn 500 triệu đồng trong tài khoản rồi” ông D. nói.
Cuối năm 2021, ông Nguyễn Văn Phi (ngụ P.Phước Long B, TP.Thủ Đức), nhận cuộc gọi từ số điện thoại +84.906.077… Đầu dây bên kia xưng là bên Cục CSGT (Bộ Công an) thông báo ông Phi có biên bản vi phạm hành chính về hành vi điều khiển ô tô chạy quá tốc độ 22km/giờ so với quy định trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Thuận. Người này yêu cầu ông Phi cung cấp biên bản vi phạm, nếu chưa nhận được thì đề nghị cung cấp số CCCD, địa chỉ…. để tìm số biên bản.
Theo ông Phi, thời gian gần đây, ông cũng nhiều lần lái ô tô đi ngang tỉnh Bình Thuận để về quê nên ông làm theo hướng dẫn. Sau đó, đầu dây bên kia thông báo số biên bản và mức phạt 8 triệu đồng, đề nghị ông chuyển tiền vào tài khoản của ngân hàng để đóng phạt. Sau khi đóng phạt vào tài khoản cung cấp, Cục CSGT sẽ gửi quyết định và hình ảnh vi phạm về địa chỉ nhà ông Phi. “Lúc đầu tôi nghe cũng hơi sợ nên làm theo, sau có thời gian suy nghĩ và đối chiếu các dữ kiện, nhận ra là trò lừa đảo nên không chuyển tiền theo hướng dẫn” ông Phi nói.
Tương tự ông D., ông Phi, thời gian qua nhiều người dân TP.HCM và nhiều tỉnh thành nhận điện thoại từ người lạ xưng là “công an, Viện kiểm sát, tòa án, điện lực, hải quan…” đề nghị người dân phối hợp trong công tác điều tra, xác minh, nộp phạt… các vụ việc liên quan. Người nào lo sợ và cung cấp hết thông tin cá nhân, số tiền hiện có thì bị nhóm này yêu cầu chuyển số tiền vào số tài khoản lạ để xác minh. Nhiều người không tỉnh táo trước các chiêu thức này sẽ bị lừa mất hết số tiền trong tài khoản của mình.
Xưng là người quen lãnh đạo để lừa đảo
Thời gian qua, các nhóm tội phạm lừa đảo liên tục thay đổi kịch bản để gọi điện đưa người dân vào “bẫy”. Nhóm tội phạm này giả danh là người quen của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu. Sau đó, nhóm lừa đảo cung cấp cho nạn nhân hình ảnh, video của bản thân với các lãnh đạo (hình ảnh, clip được cắt ghép, chỉnh sửa) để tạo niềm tin. Sau đó, hứa hẹn với người dân có thể chạy án, xin việc, xin dự án… và cuối cùng nhận tiền của nạn nhân rồi “biến mất”.
Nhóm người lừa đảo còn giả danh ngân hàng thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay online. Người lừa đảo thường tiếp cận với nạn nhân bằng cách gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email. Sau đó, hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng; Gửi các văn bản giả “xác nhận phê duyệt khoản vay” cho nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu nạn nhân nộp tiền lệ phí hoặc tiền trả góp đợt đầu vào tài khoản chỉ định, rồi chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, nhóm lừa đảo giả danh cơ quan, tổ chức thông báo “trúng thưởng may mắn”. Nhiều nhóm lừa đảo còn giả danh nhân viên của trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số… gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình. Và để nhận được phần thưởng này, nhóm lừa đảo chiêu dụ nạn nhân phải mua 1 sản phẩm có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng nhằm chiếm đoạt tiền…