Tự nâng cao cảnh giác để không rơi vào “bẫy lừa đảo qua mạng internet”
Thời đại công nghệ 4.0 bên cạnh những tiện ích vượt trội thì cũng kéo theo việc xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet. Các chiêu trò lừa đảo với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hòng qua mắt cơ quan chức năng và người dân. Để tránh bị rơi vào bẫy “lừa” thì bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân hãy đề cao cảnh giác, tự nâng cao hiểu biết.
Mục lục
Hình thức tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet rất tinh vi, phức tạp
Trên thực tế, loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm tỷ lệ không cao trong cơ cấu tội phạm xảy ra trên các địa bàn. Hình thức tội phạm này rất tinh vi, phức tạp vì chúng sử dụng nền tảng không gian mạng ảo, phạm vi rộng cả trong và ngoài nước.
Cơ quan công an tại nhiều địa phương đã liên tục có nhiều cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet, tuy nhiên vẫn liên tục có những vụ việc liên quan đến lừa đảo.
Về chế tài xử lý được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Những thủ đoạn lừa đảo thường được áp dụng
Chúng ta không phủ nhận sự tiện ích khi mua hàng qua mạng xã hội, trang website, sàn thương mại điện tử (gọi chung là mua hàng online). Tuy nhiên, không phải ai cũng lựa chọn được nơi bán hàng có uy tín, nhiều người mua hàng kém chất lượng so với quảng cáo ban đầu, có thể do giá trị đồ mua không lớn “ngậm ngùi” bỏ qua.
Đối tượng dùng mạng xã hội đăng thông tin giả về một mặt hàng nào đó “mồi” những người có nhu cầu mua, kèm theo yêu cầu phải đặt cọc từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, số tiền nhỏ so với giá trị mặt hàng bán. Khi người mua “mắc bẫy” chuyển tiền đặt cọc người bán sẽ chiếm đoạt tiền đó.
Cuối tháng 3 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã đấu tranh, làm rõ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Facebook. Ngày 21-2-2021, do cần tiền chi tiêu cá nhân, Đối tượng Nông Văn Thành, sinh 2000, trú tại xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) lên Facebook lập tài khoản mới rồi đăng bài vào các hội nhóm với nội dung “Ai có nhu cầu mua lợn giống thì liên hệ trực tiếp qua tin nhắn”.
Anh Chẩu Duy Thái, sinh 1993, trú tại tổ dân phố Khuôn Phươn, thị trấn Na Hang (Na Hang) đã nhắn tin qua ứng dụng Messenger với Thành để hỏi mua. Thành đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi khiến anh Thái hoàn toàn tin tưởng chuyển vào các tài khoản ngân hàng do Thành yêu cầu 4 lần với tổng số tiền gần 21,2 triệu đồng. Nhận được tiền, Thành xoá tài khoản Facebook, tắt điện thoại di động, cắt mọi liên lạc với gia đình và bỏ đi khỏi địa phương. Phát hiện mọi việc biết mình bị lừa đảo nên đã trình báo Cơ quan Công an nội dung vụ việc.
Hiện tại thủ đoạn được cho là phổ biến nhất là hacker chiếm tài khoản, mạo danh bị hại gửi tin nhắn nhờ người thân, bạn bè chuyển tiền, rồi chiếm đoạt.
Mọi người dân, đặc biệt là những người dùng mạng xã hội cần hế sức thận trọng. Người sử dụng tài khoản mạng xã hội cần thường xuyên thay đổi mật khẩu có độ bảo mật cao, sử dụng bảo mật hai lớp. Khi có nhu cầu mua hàng online cần lựa chọn cá nhân, đơn vị cùng trang website, sàn thương mại điện tử có uy tín, điều kiện mua nên cần điều kiện kiểm tra mặt hàng rồi mới thanh toán. Mọi người dân khi có yêu cầu nhờ chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân (tài khoản ngân hàng, mật khẩu…) qua các nền tảng tin nhắn mạng xã hội cần hết sức cẩn trọng phải liên hệ trực tiếp bằng số điện thoại hoặc gọi video, giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo do người thân, bạn bè mình đã bị hack tài khoản. Trước khi cơ quan chức năng bảo vệ mình thì mỗi người hãy tự nâng cao cảnh giác và kiến thức để có thể tránh trở thành nạn nhân của chiêu thức này.