Có phải cứ nộp tiền là được tại ngoại?
Ngày 4-1, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm một vụ án đánh bạc đối với năm bị cáo. Tại phần tranh luận của phiên tòa, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX trả lại cho một bị cáo số tiền 50 triệu đồng là tiền cọc để bảo đảm không bị tạm giam.. HĐXX sau đó đã chấp nhận đề nghị này của VKS. Xung quanh vụ việc này, nhiều người đặt ra câu hỏi có phải cứ nộp tiền là sẽ được tại ngoại hay không?
Mục lục
Bàn về biện pháp bảo lĩnh và biện pháp đặt tiền để bảo đảm
Liên quan đến vấn đề về biện pháp bảo lĩnh và biện pháp đặt tiền để bảo đảm, ThS Trần Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: Biện pháp bảo lĩnh (Điều 121 BLTTHS 2015) và biện pháp đặt tiền để bảo đảm (Điều 122 BLTTHS) đều là các biện pháp ngăn chặn.
Biện pháp bảo lĩnh là biện pháp do cá nhân, cơ quan, tổ chức khác sử dụng uy tín, nhân thân của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó để thực hiện việc bảo lĩnh cho bị can, bị cáo được tại ngoại.Trong khi đó, biện pháp đặt tiền để bảo đảm (đặt tiền) do chính bị can, bị cáo đó bỏ tiền ra để đặt hoặc người thân thích của bị can, bị cáo bỏ tiền ra để đặt nhằm bảo đảm cho việc tại ngoại của bị can, bị cáo.
- Bắt Giám Đốc GFDI Lừa Đảo 3.700 Tỷ Đồng
- Thủ Đoạn Tinh Vi Làm Giả Giấy Tờ Chiếm Đoạt Tiền Ngân Hàng
- Giám đốc Trung Quốc lĩnh án chung thân vì sát hại nữ kế toán trong mâu thuẫn công việc
- Hiệu trưởng trường nội trú “để học sinh ăn cơm trộn mì tôm” bị bắt tạm giam
- Yêu khi chỉ mới 14 tuổi, thiếu nữ 15 tuổi bị người yêu sát hại
Biện pháp này để thay thế biện pháp tạm giam do cơ quan có thẩm quyền áp dụng để bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập, đúng thời gian quy định và không thực hiện các hành vi cản trở đến hoạt động tố tụng của vụ án.
Luật sư Trần Bá Học (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho biết: Về cơ sở để áp dụng đối với biện pháp đặt tiền bảo đảm, CQTHTT sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo để có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền bảo đảm để thay thế cho tạm giam. Việc đánh giá khi nào thì bị can, bị cáo không bị tạm giam và thay thế bằng các biện pháp như đã đề cập, đa phần phụ thuộc vào ý chí chủ quan từ phía các CQTHTT.
Đối với biện pháp bảo lĩnh, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng như nhân thân của bị can, bị cáo mà cơ quan điều tra, VKS, tòa án (nói chung là cơ quan tiến hành tố tụng – CQTHTT) có thể chấp nhận cho những người này được áp dụng biện pháp bảo lĩnh để thay thế cho tạm giam.
Theo đó có thể thấy hai biện pháp này về cơ bản là giống nhau. Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản là biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì phải có một số tài sản nhất định để “làm tin”. Về nguyên tắc, số tiền đặt để đảm bảo thay đổi biện pháp tạm giam sẽ được trả lại cho bị can, bị cáo hoặc người thân của họ nếu họ không vi phạm các cam kết với CQTHTT. Biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm chỉ áp dụng đối với đối tượng là bị can hoặc bị cáo; chỉ áp dụng sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can.
Nộp bao nhiêu tiền sẽ được tại ngoại?
Không phải trường hợp nào nộp tiền cũng được tại ngoại. Trường hợp bị can, bị cáo dùng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội có tổ chức, người chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm… thì không được cho áp dụng biện pháp đặt tiền bảo đảm để được tại ngoại.
Về mức tiền bảo lĩnh, bảo đảm, theo ThS Trần Thanh Thảo: Điều 4 Thông tư liên tịch số 06/2018 (quy định về trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm) thì mức tiền đặt để bảo đảm do CQTHTT quyết định nhưng không dưới 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Cạnh đó, số tiền đặt có thể áp dụng mức thấp hơn nhưng không dưới 50% của số tiền đã nêu đối với bị can, bị cáo là người thuộc đối tượng chính sách…; người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Bị can, bị cáo được bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ theo luật định như: Có mặt theo giấy triệu tập; không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm…Nếu vi phạm bất kỳ một trong các nghĩa vụ vừa nêu thì bị can, bị cáo bị tạm giam và số tiền đã đặt để bảo đảm sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, thời hạn bảo lĩnh, đặt tiền không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của BLTTHS. Thời hạn bảo lĩnh, đặt tiền đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Việc áp dụng biện pháp này đối với các bị can, bị cáo đang bị tạm giam thì cần có hướng dẫn đề làm rõ hơn. Bị can, bị cáo cũng cần lưu ý với các quy định này để hiểu và áp dụng một cách đúng đắn.