Điều dưỡng viên bị kiện vì để cụ ông hóc thịt viên đến chết
Ông Lý Lâm, 71 tuổi, ăn bữa sáng do điều dưỡng nấu, có miếng thịt viên to bằng quả bóng bàn, bị hóc nghẹn nhưng không được sơ cứu đúng cách dẫn đến tử vong.
Vụ việc diễn ra tại xảy ra tại quận Hải Thành, thành phố Bắc Hải, Quảng Tây, Trung Quốc. Ông Lâm 71 tuổi, bị đột quỵ năm 2022 và phải ngồi xe lăn từ đó. Con cháu đã thuê một nam điều dưỡng họ Ngô chăm sóc 24/7 với mức lương 4.500 tệ (tương đương khoảng 16 triệu đồng), được nghỉ 2 ngày mỗi tháng.
Đoạn video được ghi lại từ camera giám sát hôm xảy ra sự việc cho thấy, khoảng 8h25 ngày 9/1, điều dưỡng viên Ngô đẩy ông Lâm từ phòng ngủ ra phòng khách bằng xe lăn. Sau khi rót một cốc nước, ông Ngô vào bếp chuẩn bị bữa sáng.
Khoảng 8h56, điều dưỡng viên mang bữa sáng từ bếp ra và đặt lên bàn. Bữa sáng bao gồm rau, bánh bao và một miếng thịt viên lớn bằng quả bóng bàn. Sau đó, ông Ngô lấy điện thoại di động để chụp ảnh bữa sáng gửi vào nhóm WeChat của gia đình. Ông đặt một chiếc khăn ăn cẩn thận trên đùi bà Mai, đặt khăn ăn trên đùi ông Lâm, đeo yếm và nhắc ông Lâm rằng “đồ ăn rát nóng, hãy cẩn thận”.
Video trích xuất từ camera giám sát cho thấy rằng khoảng 9h35 sáng, ông Lâm đưa miếng thịt viên lớn vào miệng, không nhai mà nuốt chửng. Lúc này, ông Ngô đang ở trong phòng ngủ và khi bước ra, ông phát hiện bệnh nhân đang có dấu hiệu bị nghẹn nên lập tức vỗ nhẹ vào lưng của ông Lâm.
Ông Ngô hỏi: “Bác bị nghẹn à?”, nhưng lúc này, bà Lâm đã không thể trả lời được nữa. Ngay lập tức, ông Ngô thực hiện các động tác sơ cứu, ấn mạnh vào ngực ông Lâm nhiều lần nhưng tình trạng không hề cải thiện.
5 phút sau, điều dưỡng Ngô gọi điện cho con gái bệnh nhân, sống ở chung cư bên cạnh, báo tình hình… Ông Lâm sau đó được đưa đến bệnh viện để cấp cứu nhưng đến 12h25 trưa cùng ngày, ông Lâm đã tử vong do “tắc nghẽn đường hô hấp và bệnh não do thiếu oxy-thiếu máu cục bộ vì hít phải hoặc nuốt phải thức ăn”, theo kết luận của bác sĩ tại bệnh viện.
Ngay sau đó, gia đình của ông Lâm báo cảnh sát vì cho rằng điều dưỡng viên Ngô đã sơ suất gây ra cái chết của ông Lâm. “Ông Ngô đã chăm sóc cha tôi được 7 tháng nên ông ấy phải hiểu rõ tình trạng sức khỏe của cha tôi”, con trai nạn nhân cho rằng điều dưỡng viên nên theo sát quá trình ăn uống của cha mình và sơ cứu đúng cách thì đã không xảy ra việc đáng tiếc.
Tuy nhiên, công an địa phương đánh giá rằng vụ việc không thuộc diện án hình sự. Vì vậy, người thân của ông Lâm quyết định nộp đơn kiện dân sự để đòi bồi thường. Trong buổi trả lời phỏng vấn, điều dưỡng viên Ngô nói “rất tiếc” về sự cố vì coi ông Lâm như là anh trai ruột. Ông Ngô cũng chia sẻ rằng đây không phải lần đầu tiên ông để bệnh nhân tự ăn thịt viên và “mấy lần trước đều không gặp vấn đề gì cả”. Khi ông Lâm bắt đầu nghẹn, ông Ngô nói đã rất căng thẳng, cố gắng sơ cứu nhưng bất thành. Giám đốc công ty dịch vụ điều dưỡng cũng cho biết ông Ngô có 3 năm kinh nghiệm và đã được đào tạo nghiệp vụ trước khi hành nghề.
Theo Điều 233 của Bộ luật Hình sự Trung Quốc, người nào vô tình làm chết người có thể bị phạt tù từ 3 đến 7 năm. Mặc dù điều dưỡng viên không trực tiếp đưa thịt viên vào miệng của ông Lâm nhưng vì là một nhân viên đã được đào tạo và có giấy phép chuyên nghiệp, ông Ngô được coi là có khả năng loại bỏ rủi ro liên quan đến các tình huống như vậy. Thủ thuật hemlich, cấp cứu khi bị nghẹn là một kiến thức cơ bản mà tất cả các điều dưỡng viên đều được huấn luyện.
“Một viên thịt có kích thước bằng quả bóng bàn thì người thường còn khó ăn huống chi ông Lâm là một người đang ốm nặng. Thêm vào đó, là một hoạt động rất nguy hiểm đối với những người có khả năng tự chăm sóc hạn chế”, một luật sư thuộc văn phòng luật Bắc Kinh nhấn mạnh. “Vì vậy, nếu xét về mặt chủ quan, điều dưỡng viên nên bị buộc tội vì sự cẩu thả và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Sơ suất gây tử vong.”
Theo luật sư, trong tình huống như vụ án này, cả công ty dịch vụ và điều dưỡng viên đều khẳng định đã tiến hành khóa đào tạo kỹ lưỡng nên cần đặt ra câu hỏi về hiệu quả của khóa học này và chứng chỉ hành nghề được cấp sau đó.