Lén bỏ thuốc hướng thần vào bia gài độ đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản
Thời gian qua, những vi phạm liên quan đến đánh bạc ngày càng nhiều với nhiều thủ đoạn khó lường. Vụ đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản do Nguyễn Thanh Tấn, Nguyễn Thị Ngọc Yến ngụ tại TP. HCM cùng đồng phạm thực hiện với hình thức khá hy hữu là bỏ thuốc hướng thần vào bia, làm nạn nhân hạn chế kiểm soát hành vi, sau đó cùng đồng bọn gài các bị hại đánh bạc sau đó ép ký nợ để chiếm đoạt tài sản gây hoang mang trong dư luận.
Mục lục
Dùng thuốc hướng thần gài các bị hại đánh bạc sau đó ép ký nợ để chiếm đoạt tài sản
Tấn chung sống như vợ chồng với Yến tại quận Bình Tân, TP.HCM. Để có tiền tiêu xài, cặp vợ chồng này đã bàn bạc với Phạm Minh Trung (anh rể Tấn) cùng những người bạn thực hiện kế hoạch kiếm tiền hiếm gặp.
Các bị cáo tổ chức dàn cảnh, dẫn dụ những người có tiền, có điều kiện kinh tế ăn nhậu chung, rồi lén bỏ thuốc hướng thần vào bia cho họ uống. Khi thuốc ngấm, hạn chế kiểm soát hành vi, Tấn cùng đồng bọn gài các bị hại đánh bạc sau đó ép ký nợ để chiếm đoạt tài sản.
- Xét xử nhóm đối tượng ‘dàn cảnh’ để tống tiền nữ hiệu trưởng
- Xét xử vụ kiện liên quan đến ‘mua ghế’ ban giám khảo cuộc thi Miss Grand International
- 111 đối tượng đòi nợ cho ngân hàng theo kiểu ‘xã hội đen’ bị tuyên án
- Bà Trương Mỹ Lan khẳng định rằng khoản tiền được chuyển ra nước ngoài không thuộc về SCB.
- Cách cựu Chủ tịch NXB Giáo dục nhận hối lộ qua các năm
Vào tháng 2-2019, Nguyễn Thị Ca nói có quen biết với ông Nguyễn Văn H. (ngụ Long An) chuyên sản xuất cửa nhôm, có điều kiện kinh tế.
Ngày 1-2-2019, đàn em của Tấn đến nhà ông H. để xem nhà cửa, tình hình tài chính của ông H. và đưa người này từ Long An lên TP.HCM để bàn chuyện đặt mua cửa nhôm kính với mục đích lấy lý do mua cửa nhôm số lượng lớn để dụ ông H. tới nhà Tấn.
Tấn đưa thuốc hướng thần và 250 triệu đồng cho Lê Thị Ngọc Mai rồi rời khỏi nhà. Mọi việc, Tấn sẽ chỉ đạo đàn em qua điện thoại.
Trưa cùng ngày, Ca, Trung và Dương Hạnh Phúc đưa ông H. tới nhà Tấn để dự tất niên. Lợi dụng ông H. sơ ý, Mai lén bỏ thuốc hướng thần vào bia cho ông H. uống. Khi “con mồi” ngấm thuốc, Yến, Ca rủ ông H. đánh bài ăn tiền cùng với Trung, Phúc.
Quá trình chơi bài, nhóm này đã dùng thủ đoạn gian lận, tráo bài khiến ông H. thua ít thành thua nhiều, vay tiền ít thành nhiều. Đồng bọn của Tấn nói gì ông H. cũng đồng ý.
Đến 6 giờ chiều, việc đánh bài ngưng. Ca thông báo ông H. nợ Ca 300 triệu đồng, nợ Mai 150 triệu đồng và nợ những người trong sòng bài là 800 triệu đồng. Lúc này, Tấn điện thoại chỉ đạo qua điện thoại yêu cầu đàn em đóng cửa, ép ông H. viết giấy nợ và ép lăn tay với số nợ trên.
Bằng thủ đoạn này, nhóm đã thực hiện trót lọt chiếm đoạt 150 triệu đồng và giấy tờ đất của ông H. Ngoài ra, nhóm này còn thực hiện hai phi vụ khác…
Ngày 10-3, TAND TP.HCM đã mở phiên sơ thẩm vụ đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản do vợ chồng Nguyễn Thanh Tấn, Nguyễn Thị Ngọc Yến cùng đồng phạm thực hiện.
Phiên xử dự kiến kéo dài một ngày. Trước đó trong quá trình điều tra truy tố, các cơ quan tố tụng có hoàn hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung một số vấn đề vụ án. Đến nay VKS giữ nguyên quan điểm truy tố theo cáo trạng.
Hình phạt của Tội cưỡng đoạt tài sản
Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 – 05 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 – 10 năm:
– Phạm tội có tổ chức;
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng;
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Tái phạm nguy hiểm.
Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để chiểm đoạt tài sản thì người phạm tội bị phạt tù từ 07 – 15 năm.
Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 – 20 năm khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, hình phạt bổ sung được áp dụng với Tội cưỡng đoạt tài sản là phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người từ đủ 14 đến dưới 16 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội cưỡng đoạt tài sản áp dụng khung hình phạt từ 03 – 10 năm trở lên (căn cứ theo Điều 12 Bộ luật Hình sự).
Người dưới 16 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt hành chính về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Trong đó, hành vi cưỡng đoạt tài sản được xếp vào các hành vi dùng thủ đoạn để buộc người khác đưa tiền, tài sản. Theo điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt hành chính cho hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản là phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng.
Như vậy, người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt hành chính đến 05 triệu đồng.
Tóm lại, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể bị truy cứu hình sự với mức phạt tù lên đến 20 năm, người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản có thể bị phạt hành chính đến 05 triệu đồng.