Luật hôn nhân của Đức
Hiện nay, nhu cầu kết hôn để được định cư ở nước ngoài là một nhu cầu thực tế ở Việt Nam. Đặc biệt nhu cầu kết hôn của người Việt Nam ở Đức ngày càng nhiều. Vậy quy định về Luật hôn nhân của Đức như thế nào, cần lưu ý những điều gì?
Những thoả thuận cần thiết trong hợp đồng hôn nhân ở Đức
Hợp đồng hôn nhân là một biện pháp hợp pháp để hai vợ chồng sắp cưới thỏa thuận ngoài tòa án về các vấn đề tài sản nếu như hôn nhân đổ vỡ sau này.
– Đa số các hợp đồng hôn nhân quy định cách chia tài sản theo phương pháp Gütertrennung, nghĩa là trong thời gian chung sống hôn nhân, tài sản của ai làm ra sẽ của người đó nếu ly hôn. Không có điều khoản này, tài sản sẽ bị chia theo phương thức cân đối công bằng do luật pháp quy định.
– Vấn đề đóng góp nuôi vợ (thường người vợ thu nhập thấp hơn hoặc không có do ở nhà lo nội trợ) cũng có thể được thỏa thuận tại hợp đồng hôn nhân, ví dụ cho một khoảng thời gian nhất định, hoặc thay vì hàng tháng nhận tiền, người có quyền yêu cầu (vợ) nhận một khoản “bồi thường“ lớn.
– Các hợp đồng hôn nhân có thể bị tòa án đánh giá không có hiệu lực, nếu như có nội dung vi phạm phong tục tập quán (sittenwidrig). Ở đây các tòa dân sự xử ly hôn sẽ kiểm tra tính hiệu lực của hợp đồng hôn nhân.
– Hợp đồng hôn nhân có hiệu lực vô thời hạn, tuy nhiên các bên tham gia cần cho kiểm tra lại sau một thời gian, để phù hợp với tình hình cá nhân, cần thiết có thể thay đổi.
– Hợp đồng hôn nhân thường do các luật sư dân sự thảo cho thân chủ, được ký kết tại công chứng. Phí hợp đồng phụ thuộc vào tài sản và thu nhập các bên đương sự.
Các lưu ý về hợp đồng hôn nhân hữu ích ở Đức
Những cặp vợ chồng kết hôn trước 2008 có thể thỏa thuận miệng hoặc dưới dạng văn bản về vấn đề chi phí Unterhalt cho vợ (hay chồng) khi ly dị và các thỏa thuận đó có giá trị trước pháp lý.
Theo luật mới hiệu lực từ 01.01.2008, các thỏa thuận kiểu như trên cần phải được công chứng nhà nước, mới có hiệu lực pháp lý. Các đòi hỏi của người vợ đối với người chồng đưa ra trước khi ly hôn, sẽ không tự động có hiệu lực sau khi ly hôn nếu điều đó không được công chứng. Chính vì lẽ này mà các công chứng viên khuyên thân chủ nên có hợp đồng hôn nhân (Ehevertrag): Trong hợp đồng được công chứng này, người vợ và người chồng có thể thỏa thuận trước các điều khoản về vấn đề đóng góp tài chính khi ly hôn, các thoả thuận đó không nhất thiết phải theo luật định chung. Một ví dụ đơn giản nhất là người sẽ nuôi con (thường là mẹ) có thể sẽ thỏa thuận được các khỏan hợp lý và có lợi hơn cho mình, nếu so sánh với các quy định chung của nhà nước.