Luật Kinh doanh bảo hiểm – Hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Kinh doanh bảo hiểm đã trở thành một ngành dịch vụ thương mại nổi bật trong những năm gần đây được pháp luật kinh doanh bảo hiểm quy định và điều chỉnh. Đây cũng là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong hệ thống các ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Cùng tìm hiểu về các loại hình kinh doanh đặc biệt này cũng như các quy định pháp lý hiện hành về nó ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
Một số thuật ngữ pháp lý theo luật kinh doanh bảo hiểm
Để hiểu rõ hơn các quy định pháp lý của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, bạn cần phải nắm được một số những thuật ngữ pháp lý thông dụng trong Luật này. Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm có liệt kê định nghĩa các từ ngữ được sử dụng tại Điều 3, nổi bật là những khái niệm về:
- Kinh doanh tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm nhận một khoản phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm khác để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.
- Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
- Hoạt động đại lý bảo hiểm là hoạt động giới thiệu, chào bán bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm và các công việc khác nhằm thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Hoạt động môi giới bảo hiểm là việc cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về sản phẩm bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và các công việc liên quan đến việc đàm phán, thu xếp và thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.
- Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm.
Pháp luật kinh doanh bảo hiểm phân loại nghiệp vụ bảo hiểm
Dựa vào nhu cầu trực quan từ người sử dụng, hoạt động kinh doanh bảo hiểm được phân loại theo 03 loại nghiệp vụ chính bao gồm:
Bảo hiểm nhân thọ gồm những loại: bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm liên kết đầu tư.
Bảo hiểm phi nhân thọ là những loại bảo hiểm cụ thể như: bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại; bảo hiểm về hàng hóa vận chuyển trên các tuyến giao thông; bảo hiểm hàng không; bảo hiểm xe cơ giới; bảo hiểm cháy nổ; bảo hiểm tàu; bảo hiểm tín dụng; bảo hiểm thiệt hại kinh doanh.
Bảo hiểm sức khỏe bao gồm các loại như: bảo hiểm tai nạn con người; bảo hiểm y tế; bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.
Đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Như đã chia sẻ từ đầu, hoạt động kinh doanh bảo hiểm là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bạn phải đáp ứng và duy trì được các điều kiện pháp luật yêu cầu để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh với ngành nghề này.
Thứ nhất, đáp ứng về loại hình doanh nghiệp và nội dung hoạt động
Pháp luật cho phép các loại hình doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm: Công ty cổ phần bảo hiểm; công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm; hợp tác xã bảo hiểm; tổ chức bảo hiểm tương hỗ.
Nội dung hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chỉ trong phạm vi: Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm; đề phòng, hạn chế rủi ro, tổn thất; giám định tổn thất; đại lý giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn; quản lý quỹ và đầu tư vốn; các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, vốn điều lệ
Để đảm bảo an toàn và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp tham gia cần chứng minh đáp ứng đủ số vốn tối thiểu khi đăng ký hoạt động.
- Mức vốn pháp định với kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ giao động từ 300 tỷ đồng đến 1000 tỷ đồng tùy từng nội dung hoạt động cụ thể.
- Mức vốn pháp định với kinh doanh bảo hiểm sức khỏe là 300 tỷ đồng
- Mức vốn pháp định của doanh nghiệp tái bảo hiểm giao động từ 400 tỷ đồng đến 1.100 tỷ đồng.
- Mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là từ 4 tỷ đến 8 tỷ đồng.
Thứ ba, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm
Người quản trị, người điều hành doanh nghiệp phải có các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm tùy vào loại mô hình bảo hiểm mà doanh nghiệp quyết định hoạt động.
Thứ tư, đã hoàn tất cấp phép hoạt động
Thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được hướng dẫn tại Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành bao gồm:
“1. Đơn xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
2. Dự thảo điều lệ doanh nghiệp;
3. Phương án hoạt động năm năm đầu, trong đó nêu rõ phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và lợi ích kinh tế của việc thành lập doanh nghiệp;
4. Danh sách, lý lịch, các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người quản trị, người điều hành doanh nghiệp;
5. Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên; tình hình tài chính và những thông tin khác có liên quan đến các tổ chức, cá nhân đó;
6. Quy tắc, điều khoản, biểu phí, hoa hồng bảo hiểm của loại sản phẩm bảo hiểm dự kiến tiến hành.”
Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động ngành nghề mang tính rủi ro cao, tuy nhiên lợi nhuận mang lại cũng vô cùng to lớn. Nắm rõ các quy định pháp lý của Luật Kinh doanh bảo hiểm giúp bạn có thể hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực này được đảm bảo an toàn và phát triển bền vững hơn. Tham khảo thêm những nội dung liên quan tại trang https://luatsuquocte.com.