Luật Doanh nghiệp – Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp không ngừng thích ứng, thay đổi để có thể đảm bảo sự phát triển bền vững. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cũng là một trong những nội dung mà pháp luật doanh nghiệp điều chỉnh, quy định; nhằm giúp các doanh nghiệp linh động hơn, khai thác triệt để các đặc điểm của loại hình doanh nghiệp mà mình mong muốn.
Mục lục
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là gì?
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp phù hợp nhất với quy mô và sự phát triển của mình ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Phương thức, thủ tục, trình tự thực hiện việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được pháp luật doanh nghiệp quy định chi tiết và cụ thể.
Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi loại hình doanh nghiệp không?
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp thuộc sở hữu của cá nhân và không có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, pháp luật vẫn cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành các loại hình doanh nghiệp khác nếu đáp ứng được những điều kiện tại khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020:
“a) Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;
b) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
c) Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
d) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.”
Các hình thức chuyển đổi của công ty cổ phần
Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Việc chuyển đổi này yêu cầu công ty chuyển đổi phải thực hiện theo các phương thức phù hợp.
Đối với chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Luật Doanh nghiệp 2020:
“Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức sau đây:
a) Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại;
b) Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;
c) Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.”
Đối với chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên
Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên theo phương thức được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 204 Luật Doanh nghiệp 2020:
“a) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;
b) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
c) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
d) Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông;
đ) Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này và các phương thức khác.”
Ngoài ra, công ty trách nhiệm hữu hạn cũng có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo các phương thức mà pháp luật đã hướng dẫn tại Luật Doanh nghiệp mới nhất. Chi tiết hơn về trình tự thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, bạn có thể tham khảo tại những bài viết khác của chúng tôi trên trang https://luatsuquocte.com.