Những vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em trên môi trường mạng Internet
Trong thời đại 4.0, đặc biệt hơn là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều trẻ sử dụng máy tính và mạng trong việc học tập giải trí, điều này đã góp phần gia tăng những vụ việc nhằm vào đối tượng là các em học sinh.Đặc biệt là các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục đối với trẻ em.
Mục lục
Nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục qua mạng xã hội
Việc tiếp cận sớm với công nghệ khiến hàng triệu trẻ em được hưởng lợi từ các dịch vụ công nghệ thông tin, nhưng chính mạng Internet cũng làm gia tăng tỉ lệ trẻ em bị lạm dụng tình dục, bị vướng vào các tệ nạn xã hội, là nạn nhân của bạo hành, lợi dụng…Minh chứng rõ nhất cho việc này là thời gian vừa qua, Công an TP.Hà Nội liên tiếp phát hiện những vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em trên môi trường mạng Internet.
Thống kê từ Cục trẻ em thì trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số điện thoại 111 tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu, độc hại trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà, gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng trước việc này.
Chị M.A (mẹ cháu V. sinh năm 2010) cho biết sau khi được nghỉ học tại nhà, cháu thường xuyên dùng máy tính của mẹ để học trực tuyến và tìm kiếm thông tin, giải trí trên mạng xã hội. Sau đó, chị M.A truy cập vào máy tính để lấy dữ liệu thì thấy máy có đặt mật khẩu, khi hỏi cháu ấp úng mãi mới cấp mật khẩu cho mẹ. Khi truy cập vào một folder trong máy, chị M.A bàng hoàng khi thấy nhiều hình ảnh cơ thể không mặc quần áo của con gái. Sau khi tỉ tê động viên cháu V. mới thổ lộ tuần trước cháu được mời vào một nhóm kín gồm 4-5 bé gái đang rủ nhau tham gia cuộc thi “siêu mẫu nhí”, với giải thưởng là nhiều đồ mỹ phẩm cùng số tiền mặt lên đến hàng chục triệu đồng.
Khủng khiếp hơn là qua các đoạn chat, chị M.A cũng phát hiện ra một số nữ sinh lớn tuổi đang ra sức thuyết phục cháu V. dùng điện thoại để chụp hình ảnh một số bộ phận trên cơ thể để gửi cho “ban tổ chức” cuộc thi. Các nữ sinh cũng dặn V. cần chụp kỹ với nhiều tư thế khác nhau sẽ dễ được lọt vào vòng trong hơn! Rất may chị M.A phát hiện kịp thời để ngăn chặn hành vi này.
Không chỉ có con chị M.A có những biểu hiện lạ này, nhiều phụ huynh khác cũng đau đầu với con cái. Chị Hoàng Thu T. ( thường trú tại Hà Nội) chia sẻ, con trai chị sinh năm 2008 vốn là đứa trẻ ngoan ngoãn, nghe lời, thích tập thể thao… Nhưng sau hai tháng nhà trường cho học trực tuyến chị phát hiện cháu có vấn đề về sức khỏe tâm thần, thể lực sa sút, sụt cân…Nhìn biểu hiện lạ, chị quan sát và phát hiện cháu thường xuyên truy cập vào một trang web “đen”, sau đó còn bắt chước theo.
Sau khi được gia đình động viên, hỏi han thì cháu kể rằng khi lang thang tìm kiếm thông tin trên mạng thì cháu bỗng thấy một trang web có rất nhiều phim “người lớn” nhảy vào. Lần đầu cháu tắt luôn, nhưng khi trang web kia xuất hiện nhiều lần, khiến cháu tò mò ngồi xem rồi ngày nào cũng phải truy cập.
Báo cáo mới đây của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.Hà Nội) cũng nhấn mạnh trong quá trình học trực tuyến của trẻ nhiều cha mẹ cho biết, con cái đã bị những đối tượng xấu gạ gẫm tham gia vào các cuộc thị sắc đẹp. Nhiều em đã làm theo yêu cầu thể lệ tham dự là trẻ gửi những tấm ảnh chụp các bộ phận theo yêu cầu của Ban tổ chức để kiểm tra xem trên người có vết sẹo không. Nhiều khi những bức ảnh này được gửi đến cho chính những người bạn bè trong nhóm, rồi lại được chia sẻ rộng ra đến tất cả mọi đối tượng sử dụng Internet.
Tháng 5.2020 Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm (TP.Hà Nội) đã tiến hành điều tra xử lý đối tượng Ngô Gia Nghĩa (SN 2005 trú tại huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đồng thời khởi tố đối tượng về hành vi làm nhục người khác để xử lý theo quy định của pháp luật. Đáng nói hành vi Nghĩa nhằm vào một bé gái 13 tuổi. Nghĩa liên lạc cho con gái anh K. là cháu N.V.A. (SN 2007) qua điện thoại yêu cầu cháu A. phải tự quay clip, hình ảnh gợi cảm rồi gửi cho người này nếu không đối tượng sẽ cắt ghép ảnh cháu A. khỏa thân rồi tung lên mạng xã hội. Do sợ nên cháu A. đã dùng điện thoại của mình quay clip, chụp ảnh nhạy cảm của mình rồi gửi cho tài khoản zalo có tên “KoPT”.
Sau đó đối tượng tiếp tục yêu cầu cháu A. quay clip, chụp thêm nhiều ảnh nhạy cảm khác và gửi tiếp cho đối tượng nhưng cháu A. không đồng ý. Khi thấy cháu A. không làm theo yêu cầu thì tài khoản Facebook tên là Nguyễn TN đã đăng clip, ảnh nhạy cảm của cháu A. lên mạng xã hội Facebook và nhắn tin cho nhiều người quen của cháu A.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tránh bị xâm hại tình dục và các tác hại khác
Thực trạng trẻ em bị dũ dỗ, xâm hại qua môi trường mạng rất đáng báo động.
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), trên thế giới hiện có hơn 2,2 tỉ người dưới 18 tuổi đang truy cập Internet hàng ngày. Bình quân cứ ba người truy cập Internet, có một trẻ em. Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên của UNICEF tại Việt Nam cho thấy có đến 1/5 số trẻ dược hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của de doạ trực tuyến trên mạng internet.
Công an TP.Hà Nội đã khẩn trương điều tra, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền cảnh báo cho các bậc phụ huynh, tại các trường học song diễn biến của tình trạng này vẫn rất phức tạp.
Một số vụ việc điển hình như đối tượng Nguyễn Ngọc Long (SN 2003, trú tại, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) đã rủ cháu T. (sinh năm 2007) đi chơi sau đó đã đưa cháu T. về nhà trọ rồi làm “chuyện người lớn” hai lần liên tiếp và ở cùng ở với cháu T nhiều ngày. Công an quận Nam Từ Liêm sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Long về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tôi phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) mỗi năm cơ quan này tiếp nhận khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan đến trẻ em, tuy nhiên trong đó số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng chiếm tỉ lệ lớn hơn.
Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được quy định trong Luật An ninh mạng 2018, song gia đình, nhà trường… phải nâng cao trách nhiệm, giúp trẻ đứng vững trước những cám dỗ của thế giới mạng. Sự quan tâm, phương pháp giáo dục đúng đắn của gia đình, nhà trường sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất giúp các em có thể bảo vệ được chính bản thân mình, bảo vệ tuổi thơ của mình trong sạch, lành mạnh.