Các đặc điểm và nguyên tắc của Luật Quốc tế
Mỗi quốc gia đều sẽ có những thể chế riêng của mình để quản lý, xây dựng đất nước. Tuy nhiên, đối với những mối quan hệ giữa quốc gia, vùng lãnh thổ với nhau thì chắc chắn không thể thiếu những quy tắc ứng xử chung, đây là lý do cơ bản nhất để Luật Quốc tế hay còn gọi là công pháp quốc tế ra đời. Cùng tìm hiểu một số đặc điểm cũng như nội dung cơ bản về công pháp quốc tế ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
Luật Quốc tế là gì?
Luật Quốc tế hay còn gọi là Công pháp quốc tế là hệ thống pháp luật song song, độc lập với hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Nội dung của công pháp quốc tế bao gồm tổng thể các nguyên tắc, quy phạm pháp lý quốc tế được các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận xây dựng trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, thông qua đấu tranh và thương lượng nhằm điều chỉnh mối quan hệ nhiều mặt giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau, chủ yếu về chính trị. Luật này được đảm bảo thực hiện bằng những biện pháp cưỡng chế riêng lẻ hoặc tập thể do chính các chủ thể thi hành, và bằng sức đấu tranh của nhân dân và dư luận tiến bộ thế giới.
Đối tượng nào là chủ thể của luật quốc tế
Nếu tư pháp của mỗi quốc gia có chủ thể pháp lý hướng về những tổ chức, cá nhân, các mối quan hệ tồn tại trong quốc gia; thì ở luật quốc tế chủ thể bao gồm:
- Quốc gia đã có chủ quyền
- Các tổ chức quốc tế liên chính phủ
- Các dân tộc đang đấu tranh giành quyền độc lập, quyền tự quyết
- Một số thực thể pháp lý phi chính phủ đặc biệt như: Tòa thành Vatican, HongKong, Macao
- Thực thể pháp lý liên chính phủ: Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Liên hợp quốc..
Cần lưu ý rằng, luật quốc tế không thừa nhận tư cách chủ thể đối với cá nhân, pháp nhân và các tổ chức phi chính phủ.
Hệ thống các nguyên tắc của luật quốc tế
Luật Quốc tế được xây dựng nên đảm bảo giá trị cốt lõi và 07 nguyên tắc cơ bản bao gồm.
Thứ nhất, nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia
Thứ hai, nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế
Thứ ba, nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế
Thứ tư, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác
Thứ năm, nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau
Thứ sáu, nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết
Cuối cùng, nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế.
Các quy định của Luật Quốc tế xây dựng từ nguồn nào?
Luật quốc tế là công cụ, nhân tố quan trọng đảm bảo trong việc điều chỉnh các quan hệ quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích của mỗi chủ thể của luật quốc tế trong quan hệ quốc tế. Tại Điều 38 Quy chế Toà án Công lý Quốc tế, có thể xác định nguồn Luật Quốc tế có cơ sở xác định từ:
- Các công ước quốc tế, (chung hay riêng) thiết lập ra những quy phạm được các bên đang tranh chấp thừa nhận.
- Tập quán quốc tế như chứng cứ được thực tiễn chung, được thừa nhận như luật.
- Những nguyên tắc chung của luật được các quốc gia văn minh thừa nhận.
- Các án lệ và các học thuyết của các chuyên gia có chuyên môn cao nhất về luật pháp quốc tế của nhiều quốc gia được coi là phương tiện để xác định các quy phạm pháp luật.