Từ vụ Tịnh thất Bồng lai: Phân biệt khởi tố vụ án và khởi tố bị can
Khởi tố vụ án và khởi tố bị can là 2 khái niệm khác nhau, tuy nhiên thường bị nhầm lẫn là một. Liên quan đến vụ án ở Tịnh thất Bồng lai trong thời gian qua, công an đã khởi tố vụ án với 3 tội danh nhưng chỉ mới khởi tố bị can ở 1 tội danh.
Mục lục
Khởi tố vụ án 3 tội danh, khởi tố bị an 1 tội danh
Chiều 5/1, nguồn tin cho biết Công an tỉnh Long An đang tiến hành lấy lời khai ông Lê Tùng Vân (89 tuổi, ngụ huyện Đức Hòa) và một số người liên quan để làm rõ dấu hiệu phạm tội Loạn luân, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Viện kiểm sát tỉnh Long An cho biết cơ quan này chưa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bị can trong vụ án liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai.
- Khởi tố 4 bị can liên quan đến sai phạm ở Tịnh thất Bồng lai
- Chiêu Trò Trộm Cắp Tinh Ranh Của Các Nữ ‘Đạo Chích’ tại Đà Nẵng
- Giám đốc Trung Quốc lĩnh án chung thân vì sát hại nữ kế toán trong mâu thuẫn công việc
- Hiệu trưởng trường nội trú “để học sinh ăn cơm trộn mì tôm” bị bắt tạm giam
- Yêu khi chỉ mới 14 tuổi, thiếu nữ 15 tuổi bị người yêu sát hại
Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án, tiến hành điều tra đối với ông Lê Tùng Vân (sinh năm 1932, hộ khẩu thường trú Phường 10, Quận 6, TP.HCM) về tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài tội danh trên, lực lượng chức năng còn đang làm rõ thêm 2 tội danh gồm: Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân và tội loạn luân.
Bên cạnh đó, sau khi đưa một số người khác có liên quan trong nơi tự xưng “Thiền am bên bờ vũ trụ” về lấy lời khai, cơ quan chức năng cũng đang tiếp tục làm rõ dấu hiệu phạm tội cụ thể của từng cá nhân.
Ngày 7/1, Công an tỉnh Long An cho biết, Cơ quan CSĐT Công an H.Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi, cùng ngụ số nhà 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, H.Đức Hòa, Long An – nơi được Lê Tùng Vân đặt tên là Tịnh thất Bồng Lai, còn gọi là Thiền am bên bờ vũ trụ) để điều tra về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Trong đó, ông Vân bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, 3 bị can còn lại bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Phân biệt khởi tố vụ án và khởi tố bị can
Từ vụ việc ở Tịnh thất Bồng lai, rất nhiều người nhầm lẫn giữa khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Đây là 2 khái niệm khác nhau trong quy trình tố tụng hình sự.
Đối tượng khởi tố
Đối tượng khởi tố vụ án hình sự là bất kỳ hành vi nào có dấu hiệu phạm tội. Khởi tố bị can là người hoặc pháp nhân có hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội.
Căn cứ khởi tố
Việc xác định dấu hiệu phạm tội trong quá trình khởi tố vụ án hình sự dựa trên những căn cứ như sau:
- Tố giác của cá nhân;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm.
Căn cứ để khởi tố bị can là khi cơ quan có thẩm quyền dựa trên các căn cứ trên thực tế về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà theo quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành là tội phạm.
Thẩm quyền
Thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự bao gồm các cơ quan sau:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
- Viện kiểm sát;
- Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
Thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can bị HẠN CHẾ so với cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự, cụ thể chỉ bao gồm ba cơ quan sau:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát.
Thời điểm
Quyết định khởi tố vụ án hình sự có thể được ban hành trong tất cả 4 giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự, bao gồm: Giai đoạn khởi tố, giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử.
Trong khi đó, quyết định khởi tố bị can chỉ được ban hành trong giai đoạn điều tra hoặc giai đoạn truy tố.
Sau khi khởi tố vụ án bước vào giai đoạn điều tra thì cơ quan có thẩm quyền mới điều tra căn cứ xác định các yếu tố cấu thành tội phạm để có căn cứ khởi tố bị can. Vì vậy, quyết định khởi tố vụ án hình sự thường có trước quyết định khởi tố bị can.
Tuy nhiên, trong thực tế giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành hai quyết định này cùng một thời điểm nếu đồng thời phát hiện, xác định được hành vi có dấu hiệu tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội (chẳng hạn như phạm tội quả tang).