Chi 1,1 tỷ đồng để mua thận ghép
Môi giới, mua bán nội tạng cơ thể người, trong đó có mua bán thận là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua, tại các địa phương, loại tội phạm “cò” mua bán thận vẫn xuất hiện, gây ra những vụ án làm nhức nhối xã hội. Mới đây, công an đã bắt được 2 đối tượng là Trần Xuân Hiệp và Nguyễn Duy Phương có hành vi mua bán thận, theo đó Hiệp và Phương thu của người mua thận 1,1 tỷ đồng song chỉ trả cho người bán 230 triệu đồng một quả thận.
Mục lục
Thực hiện trót lọt nhiều vụ mua bán thận thu lợi hàng trăm triệu đồng
Theo điều tra, hai bị can là Hiệp, 30 tuổi và Phương, 33 tuổi từng đi bán thận nên biết các thủ tục và quy trình mua bán nên nảy sinh ý định kiếm lời. Hiệp và Phương lên mạng xã hội tìm người có nhu cầu bán thận với giá 230 triệu đồng một quả sau đó vào các bệnh viện tìm người có nhu cầu mua.
Ngày 1/2, hai người đã làm thủ tục mua bán thận cho hai ca tại một bệnh viện ở Hà Nội, thu của mỗi người mua là 1,1 tỷ đồng để dùng đóng viện phí, phí xét nghiệm, nuôi ăn ở và trả tiền cho người bán thận. Hai người thu lời từ 200 đến 300 triệu đồng sau mỗi phi vụ thành công.
- Để ép vợ không ly hôn người chồng đã phạm tội hành hạ con một tuổi
- YouTuber Thơ Nguyễn bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng
- Không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xử phạt nghiêm
- Truy tố người phụ nữ mua bán thận xuyên quốc gia
- Làm Thất Thoát 308 Tỷ Đồng – Cựu Lãnh Đạo Tỉnh Bình Thuận Chuẩn Bị Hầu Tòa
Ngày 2/2, cả hai bị Công an quận Ba Đình bắt giữ, phát hiện thêm bốn trường hợp đang được nuôi và làm thủ tục chờ người mua thận khi khám xét nơi ở của hai bị can.
Hiệp và Phương khai nhận đã thực hiện trót lọt nhiều vụ mua bán thận. Ngày 17/2, hai đối tượng này bị Công an quận Ba Đình khởi tố để điều tra tội Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người theo điều 154 Bộ luật hình sự.
Mua bán thận bị xử phạt thế nào?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006, một trong những nguyên tắc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác không nhằm mục đích thương mại. Vì vậy, hành vi tự bán nội tạng của mình là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Mặc dù vậy nhưng hiện tại chưa thấy đưa ra chế tài rõ ràng cho hành vi này, do đó cơ sở pháp lý để xử lý người tự nguyện bán nội tạng của mình vẫn chưa cụ thể, rõ ràng”.
Khoản 3, Khoản 4, Khoản 8 Điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định, các hành vi bị nghiêm cấm ở đây là mua bán bộ phận cơ thể người, mua bán xác, lấy ghép sử dụng mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại, quảng cáo, môi giới hiến bộ phận cơ thể vì mục đích thương mại.
Đối với những đối tượng dụ dỗ lôi kéo nạn nhân để bán tạng của mình nếu chứng minh được họ có sự tư lợi, móc nối đối với các đối tượng nhằm mục đích mua bán nội tạng, cơ thể người cho những người có nhu cầu thì có thể bị xử lý về mặt hình sự. Trong Bộ Luật hình sự, hành vi này là các tình tiết tăng nặng, định khung đối với các đối tượng, các tội phạm khác, như Điều 119 Bộ Luật hình sự quy định về tội mua bán người tại Điểm d, Khoản 2 phạt tù từ năm năm đến 20 năm đối với hành vi để lấy cơ thể của nạn nhân.
Điều 246 của Bộ Luật Hình sự quy định về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt tại Khoản 1 Điều 246. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Như vậy, đối tượng dụ dỗ nạn nhân mua bán thận của mình nếu như chứng minh được có mục đích tư lợi, thương mại thì hoàn toàn có thể định tội.
Ngoài ra, đối với các đối tượng có hành vi môi giới cho người khác bán nội tạng sẽ được xác định ở vai trò đồng phạm, cụ thể là người giúp sức, người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm, xử lý theo quy định tại Điều 154 Bộ Luật Hình sự tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, cụ thể:
“Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Có thể thấy rằng hành vi mua bán thận nói riêng, nội ạng người nói chung là hành vi nguy hiểm bị pháp luật đặc biệt nghiêm cấm. Mỗi chúng ta cần nâng cao nhận thức, tránh vì lợi ích trước mắt mà thực hiện hành vi phạm pháp, mất nhân tính này.