Ngân hàng nhà nước phát hiện hàng ngàn giao dịch có dấu hiệu rửa tiền
Từ năm 2013 (thời điểm sau khi Luật Phòng chống rửa tiền có hiệu lực) đến 30/9/2020, Cục Phòng chống rửa tiền (PCRT) đã tiếp nhận 10.246 báo cáo giao dịch đáng ngờ. Đáng nói là con số này nhiều gấp hơn 6 lần so với giai đoạn 2006-2012.
Mục lục
Chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ đã được cải thiện rõ rệt qua các năm
Từ sau năm 2012, khi Luật phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn được ban hành, Cục PCRT bắt đầu nhận được báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm và các lĩnh vực khác. Số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ từ lĩnh vực ngân hàng vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu nhưng chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ đã được cải thiện rõ rệt qua các năm.
Cục PCRT còn thu thập báo cáo giao dịch gửi, rút tiền mặt có giá trị lớn (giao dịch có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức 300 triệu đồng được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày) và báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử (EFT).
- Triệt phá đường dây lô đề hàng trăm triệu mỗi ngày tại Hà Tĩnh
- Công an Quảng Nam triệt phá thành công đường dây cho vay nặng lãi hơn 20.000 tỷ đồng
- Công an TP HCM bắt giữ các bị cáo núp bóng công ty luật để đòi nợ thuê
- Cựu chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi bị Cơ quan chức năng triệu tập
- Lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn gian lận tài chính hơn 640 tỷ đồng
Thống kê cho thấy, số lượng các văn bản đề nghị Cục PCRT cung cấp thông tin không ngừng gia tăng qua các năm. Từ năm 2013 đến tháng 9/2020, Cục PCRT đã chuyển giao 857 vụ việc liên quan đến 5.614 báo cáo giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, quá trình thu thập, xử lý báo cáo giao dịch đáng ngờ, báo cáo tiền mặt có giá trị lớn và báo cáo chuyển tiền điện tử, Cục PCRT đã phát hiện nhiều yếu tố/ dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến gian lận hoặc hoạt động phạm tội của các tổ chức, cá nhân.
Nhiều vụ việc được khởi tố liên quan đến rửa tiền
Thông tin, tài liệu do Cục PCRT cung cấp là kênh thông tin vô cùng hữu ích. Từ kết quả phân tích báo cáo giao dịch đáng ngờ, Cục PCRT đã tham mưu trình lãnh đạo các cấp chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Thông tin này cũng hỗ trợ tích cực cho các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giúp các cơ quan quản lý nhà nước xác định được những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực thuộc quyền quản lý để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.
Đến nay, Việt Nam đã xét xử được 03 vụ án với tội danh rửa tiền theo Điều 251 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015: (1) Vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines); (2) Vụ án liên quan đến đường dây đánh bạc do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cầm đầu; (3) Vụ án Lê Thị Hà Nội do Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử tháng 11/2019.
Theo phản hồi từ các cơ quan chức năng liên quan đến khoảng 528 vụ việc, trong đó có 10 vụ việc đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, 15 vụ việc liên quan đến thuế, hải quan và cơ quan chức năng đã truy thu hơn 400 tỷ tiền thuế cho ngân sách nhà nước.
Việt Nam đang ngày càng nỗ lực và quyết tâm trong cuộc chiến chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, góp phần đảm bảo sự minh bạch và toàn vẹn của hệ thống tài chính trong nước và thế giới. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là trong sử dụng công nghệ cao là việc làm cần thiết, cấp bách trong công cuộc phòng chỗng rửa tiền ở nước ta hiện nay.