Vua cướp ngân hàng – George Leslie, thiên tài kiến trúc lợi dụng lỗ hổng thiết kế của đa số ngân hàng nước Mỹ.
Ròng rã trong vòng 9 năm, hơn 80% vụ cướp ngân hàng Mỹ, đều có sự góp mặt của George Leslie – một kiến trúc sư tài năng, giàu có, đáng ngưỡng mộ.
Sinh vào năm 1842 trong một gia đình giàu có tại New York, nhờ 300 USD của gia đình, George Leonidas Leslie trốn nhập ngũ, học hành giỏi giang và lấy bằng cử nhân kiến trúc, tốt nghiệp thủ khoa Đại học Cincinnati rồi sau đó tự điều hành công ty kiến trúc của riêng ở Cincinnati.
Tuy mất cả cha và mẹ vào năm 1867, nhưng dựa vào bản lĩnh, tài năng kiến trúc và nền tảng của gia đình, ông thuận lời tiến vào cuộc sống giới thượng lưu New York. Tuy có đủ mọi phẩm chất mà ai nấy đều ngưỡng mộ, năng khiếu của George lại dùng để đọc bản vẽ ngân hàng và tìm ra cách đột nhập, trộm tiền.
Trong những buổi gặp mặt với giới thượng lưu, George trà trộn và dưới danh nghĩa một kiến trúc sư tài ba trong những công trình của thành phố, chỉ cần ngỏ vài lời, ông ta đã có thể dễ dàng xem được sơ đồ kiến trúc của ngân hàng mình muốn.
Hoặc cách khác, khi cách trước không thành công, ông đến ngân hàng, nói rằng mình muốn gửi số tiền lớn và cần xem bản thiết kế để khẳng định rằng ngân hàng có bảo mật tốt. Hầu hết, họ lập tức cho ông xem.
Thiên tài kiến trúc như George có thể dễ dàng nhìn thấy được những lỗ hổng bảo mật, phác thảo lại vị trí các lối đi và kích thước két sắt chỉ đơn giản với một lần nhìn sơ qua.
Khi thành công đủ lớn với các mối quan hệ thượng lưu, ông bắt tay vào việc gây dựng băng cướp ngân hàng của riêng mình, trau dồi các mối quan hệ với ma cô chợ đen, thợ bẻ khoá, …. Trong hàng chục tay chân được chiêu mộ, tiêu biểu có nữ hoàng của thế giới ngầm New York – Fredericka Mandelbaum, biệt danh “Marm”.
Là một chủ hang ổ tội phạm ở Manhattan, có điểm hội họp ngụy trang bằng quán rượu trên phố thượng lưu với nhiều lối vào, bảo vệ có vũ trang, Marm sở hữu một cụm nhà kho bên kia sông ở Brooklyn, nơi sẽ cất giữ, cất giấu và bán những món hàng bị đánh cắp.
Sau khi vẽ và dựng lại đồ vật y như bản vẽ thiết kế, George sử dụng không gian này để đồng bọn diễn tập cho đến khi chính thức cướp thật.
Ngày 25/1/1876, ông và đồng bọn đã lấy trộm thành công 1,6 triệu USD (gần 43 triệu USD ngày nay) từ Ngân hàng Northampton ở Massachusetts.
Để tìm cách phá két, George mua chính xác những mẫu két sắt mà các ngân hàng sử dụng. Cuối cùng ông tạo ra một thiết bị tinh vi, không ồn ào có thể ghi lại số két mỗi khi có nhân viên quay nó.
Để sử dụng công cụ này ông phải đến ngân hàng hai lần, một lần để đặt thiết bị và một lần để lấy nó. Tuy có nguy hiểm nhưng đây cũng chính là một trong những lý do khiến George được mệnh danh “The King of Bank Robbers” – Vua cướp ngân hàng.
Ở thời kỳ đỉnh cao, nhóm bắt đầu tan rã. Lý do vì George bắt đầu trở nên nổi danh, ông ít thực hiện phi vụ với nhóm mình mà đi làm cố vấn cho những băng đảng khác. Việc này khiến ông ta thu lời nhiều hơn vì không cần đồng đảng. Ngoài ra còn có tin đồn ông cặp kè với vợ của đồng bọn, khiến nhóm rục rịch nhiều hơn.
Tai tiếng nhất là vụ cướp Quỹ Tiết kiệm Manhattan vào tháng 10/1878. George mất 3 năm chuẩn bị nhưng đột ngột mất tích cách đó 5 tháng. Bất chấp sự vắng mặt của thủ lĩnh, cùng kế hoạch tác chiến của George lập ra trước đó, băng nhóm vẫn tiếp tục vụ cướp và trộm được khoảng 2,5 triệu USD (hơn 70 triệu USD ngày nay).
Mặc dù đó là phi vụ lớn nhất, nhưng băng nhóm đã tan rã vì không thể chia phần khi mà trong số tiền cướp được chỉ có 12.000 USD là tiền mặt, còn lại đều là giấy chuyển nhượng và trái phiếu.
Không lâu sau, hầu hết thành viên nhóm cướp đã bi bắt và bị truy tố tội cướp giật. George không bị bắt nhưng trong một bụi rậm tại Yonkers, New York, với các vết đạn ở tai và dưới mũi, thi thể của ông được tìm thấy vào ngày 4/6/1878. Vẫn không ai nghĩ ông ta đứng sau toàn bộ các vụ trộm tới tận lúc George chết cho đến khi đồng đội bị bắt, chân tướng của ông mới lộ.